"Chí Phèo" thời… @

10:02, 28/02/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Trở về nhà trong men rượu ngà ngà. Bất giác Phong cảm nhận được điều chẳng lành. Chuồng bò vắng tanh, khóa cổng bị ai đó vứt chỏng chơ dưới đất. Anh vội vã chạy khắp nơi, réo tên vợ con trong tuyệt vọng. Chẳng một lời đáp. Điềm báo của sự chia ly…

TIN LIÊN QUAN

Xuất thân trong một gia đình giàu có, Phong được nuông chiều đủ thứ trên đời. Trước kia, khi mọi người còn phải đi bộ hàng cây số, thì vị “thiếu gia” ấy được ngồi trên lưng ngựa phi nhởn nhơ hết ngày ngày qua ngày khác.

Người ta thường nói “Chẳng ai giàu ba họ, khó ba đời”. Điều ấy ứng với Phong. Cái ngày anh dựng vợ cũng là ngày gia đình anh lâm vào cảnh sa cơ thất thế. Đúng hơn là phá sản. Chàng công tử bột “tay trói gà không chặt” ấy phải bươn chải cùng cha để nuôi sống tổ ấm. May mắn cho Phong là được trời ban cho người phụ nữ phúc hậu, đảm đang.

Lan dù chẳng phải là người Phong thầm thương trộm nhớ, nhưng vì nể trọng cha nên anh đành gật đầu kết nghĩa phu thê. Ai ai nhìn vào cũng đều hờn ghen vì hai người họ xứng đôi đến kỳ lạ, như cặp thanh mai trúc mã mà ông Tơ bà Nguyệt đã se duyên từ kiếp trước.

Hạnh phúc nhân đôi khi lần lượt những đứa con kháu khỉnh chào đời. Tuy cuộc sống sau đó không được giàu có, nhưng cả hai đều mãn nguyện. Do biết chí thú làm ăn nên gia tài ngày một khá, nhìn xuống chẳng thua kém người ta.

                                                                               ***

Chiều nay, gió lạnh ùa về, tiết trời se se lạnh. Như mọi khi, Phong trở về nhà trong cơn say bí tỉ. Dáng đi xiêu vẹo như muốn gục xuống ven đường. Lạ là tay vẫn cầm chặt cái cổ chai rượu. Hình như nó là thứ khiến Phong đánh đổi tất cả.

Lũ trẻ con anh vẫn vui chơi, chạy nhảy trước sân chẳng thèm nhìn mặt cha vì lâu nay nó đã quen với cảnh tượng ấy. Vợ anh, chị Lan thì vẫn lay hoay ở đám rau nhỏ trong vườn tìm cái lót dạ buổi tối. Như một con thú dữ, anh vồ lấy chị, chửi bới, đánh đập. Con ma men đã khiến Phong từng vốn nổi tiếng là “hiền như cục đất” trở thành người hoàn toàn khác- một kẻ vũ phu.

 

Một hình ảnh minh họa về Chí Phèo. Ảnh: Internet
Một hình ảnh minh họa về Chí Phèo. Ảnh: Internet

 

Vì tình thương dành cho các con, vì cái suy nghĩ con mình không thể thiếu cha, chị đành cắn răng chịu đựng những trận đòn như búa bổ từ kẻ ăn chung mâm, nằm chung giường. Nhưng cũng từ đó, dân làng quay ra coi thường Phong, coi anh như một thằng Chí Phèo nát rượu, chuyên phá làng, phá xóm. Càng ghét Phong bao nhiêu thì họ càng thương Lan bấy nhiêu bởi cám cảnh trao nhầm tấm thân ngọc chẳng đúng chỗ.

Tức nước vỡ bờ, cảm thấy không thể chung sống với Phong được nữa, Lan lên kế hoạch dẫn đám con bỏ trốn. Bỏ trốn để tự giải thoát cho mình, để tìm lấy tự do.

                                                                     ***

Rồi ngày định mệnh cũng đến. Cái ngày ấy tiết trời âm u như thương cảm. Phong lại say xỉn. Vừa lê xác đến cổng nhà đã la ó: “Mẹ đám nhỏ đâu, ra đây tao bảo”. Sự ra lệnh có phần vô văn hóa ấy rơi vào thinh không như “một câu hỏi lớn không lời đáp”.

Phong thấy lạ lẫm, chạy quanh nhà tìm kiếm. Chẳng một bóng người. Trong cơn say chợt tỉnh, giây phút ngắn ngủi ấy, Phong lại trở về đúng bản chất trước đây. Hoảng loạn, Phong ném vỡ chai rượu đang kẹp nách, liên tục gào thét “Vợ ơi, con ơi!”. Những mỹ từ ấy lâu rồi mới được thốt ra từ miệng người chồng bê tha, nát rượu. Tất cả đã quá muộn màng. Phong choàng dậy, chạy ngay sang nhà bà Tám hỏi thăm tin tức.

“Bác có thấy Lan đâu không, có thấy tụi nhỏ không”- giọng nói như đứt hơi, lúc được lúc ngắt. Bà Tám đáp lại: “Mới sáng tao thấy nó gọi bà Chín lên bán lúa, dắt ông Tư lên mua bò. Chiều nay sang thì không thấy đâu nữa. Bộ vợ chồng bây định xây lại nhà hả?”

Câu nói như gáo nước lạnh dội vào mặt Phong. Anh nghĩ thầm: “Tuy còn nghèo nhưng nhà ông bà từ xa xưa để lại cho ở vốn dĩ đã bề thế hơn người ta, cớ gì phải xây sửa chi nữa. Hay là…”. Rồi Phong lủi thủi ra về, đi trong vô định, chẳng thốt nổi lời chào với người hàng xóm.


                                                                        ***

Nơi Lan chọn là một thành phố lớn ở khu vực miền Trung, ban đêm lung linh ánh đèn. Trên chiếc xe ba gác chất đầy hàng hóa, 5 con người bé nhỏ ngồi chụm vào nhau. Mắt Lan ướt đẫm. Lan khóc, khóc cho số phận của mình, gần nửa cuộc đời rồi mà chẳng tìm được chốn nương thân. Trong mắt người phụ nữ bất hạnh ấy, cái thành phố lớn bỗng trở nên vắng vẻ hẳn.

Những ngày sau đó, Lan cắm đầu vào công việc làm thuê, bất kể nghề gì có tiền Lan đều thử sức, từ công nhân với tháng lương 1 triệu đồng, đến tạp vụ, nhân viên khách sạn… Áp lực cộng với nỗi ám ảnh khi nghĩ về những điều đã xảy ra với mình khiến Lan suy sụp, thân thể tiều tụy. Nhưng rồi vì tương lai các con thơ, Lan lại gượng dậy để tiếp tục sống với trách nhiệm một người mẹ.

Tuổi thanh xuân như bóng ngựa trắng lướt qua cửa sổ. Lan đã già đi, nếp nhăn hằn cả trên khuôn mặt. Nhìn vào, chẳng ai nghĩ đấy là Lan của thời thiếu nữ căng tràn nhựa sống. Cơm áo gạo tiền đã cướp đi của Lan mọi thứ.

Nhưng, bù lại Lan còn có con, những núm ruột mang nặng đẻ đau tiếp thêm cho mình nghị lực giữa dòng đời u tối. Rồi những đứa lớn cũng trưởng thành hơn, biết phụ mẹ kiếm tiền lo cho các em ăn học. Sự hi sinh của đấng sinh thành được đền đáp. Lan vui trong bụng. Và người ta thấy ở Lan sự bản lĩnh chẳng khác gì đàn ông.

                                                                       ***

Phong ngày này qua ngày nọ vẫn chìm ngập trong ma men. Ma men có một mãnh lực cuốn Phong lún sâu vào nó. Cha mẹ anh chỉ biết bấm bụng những tủi hờn khi nhìn thấy con trai mình sa vào một trong “tứ đổ tường”.

Đã bao bận, Phong đón xe ra Đà Nẵng tìm Lan với hi vọng hàn nối lại hạnh phúc gia đình nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu từ chối. Bởi, gương vỡ làm sao lành được. Vợ, con đã không cần đến Phong nữa- người đàn ông đã mang đến đau khổ tột cùng cho họ.

Rồi sau cái hôm ấy, người ta thấy Phong uống rượu nhiều hơn. Sáng uống, chiều uống… Uống trong vô thức. Và hệ quả mà rượu đem lại là những trận chửi bới, quấy phá hàng xóm. Khi đêm về, nỗi cô đơn bủa vây khiến Phong thấy hối hận, muốn được một lần sống lại những giây phút hạnh phúc nhất của đời mình.

Lắm hôm cơn sốt hoành hành, rồi đến những cơn ho lấn át hơi thở, Phong ước có vợ con bên cạnh. Phong thèm một tô cháo hành vợ nấu như Chí Phèo diễm phúc được Thị Nở quan tâm trong một tác phẩm văn học. Ấy vậy mà, chẳng bằng Chí Phèo thật.

Ngửa mặt nhìn trời, nhìn bóng đen phủ kín không trung, Phong chợt nhận ra rằng, số phận mình cũng u ám chẳng kém. Anh thở dài, rồi trách đời, trách mình. Câu chửi vang cả xóm. Vì quá quen, nên cũng chẳng người nào thèm để ý, thậm chí còn chặc lưỡi “Mặc kệ thằng Chí Phèo ấy đi!".

                                               GN


.