Nặng tình với quê hương

04:01, 04/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở tuổi 70 nhưng ông Phạm Đũa ở thôn 1, xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) vẫn còn khỏe mạnh. Hết trèo đèo, lội suối lên non làm kinh tế, ông lại đến từng nhà vận động dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, hướng dẫn cách làm ăn, xóa đói giảm nghèo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, già Đũa chia sẻ những hy sinh, mất mát của gia đình trong chiến tranh. Theo tiếng gọi thiêng liêng của cách mạng, 4 thành viên trong gia đình ông lần lượt hy sinh. Đó là người cha, hai người anh và người cậu ruột. Gạt nước mắt đau thương, chàng trai Hrê Phạm Đũa cũng đi theo tiếng gọi của non sông. Tham gia bộ đội địa phương, ông góp mặt trong nhiều trận đánh trên các chiến trường khu tây huyện Tư Nghĩa, cùng đồng đội lập nhiều chiến công xuất sắc.

Già Đũa bên vườn chuối của gia đình. ẢNH: T.P
Già Đũa bên vườn chuối của gia đình. ẢNH: T.P

Khi đất nước yên tiếng súng, ông Đũa phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tham gia đóng góp công sức xây dựng quê hương. Hơn 10 năm làm trưởng thôn và 6 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã và 5 năm gần đây với vai trò là người uy tín, ở cương vị nào, già Đũa cũng là đầu tàu gương mẫu. Ông không chỉ biết cách phát triển kinh tế gia đình, giúp bà con trong thôn thoát nghèo mà còn là tấm gương góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Hrê, xây dựng nếp sống văn hóa; là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

Ông bảo, đã là người uy tín thì phải nêu gương đi đầu, không ỷ lại vào Nhà nước thì nói dân mới nghe, mới tín nhiệm. Suy nghĩ vậy, ông tận dụng đất rừng rộng lớn ở địa phương để trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, gầy dựng hơn 5ha keo lai; nuôi gần 20 con trâu, đào hai ao cá trên vùng núi Hố Nghệ; đầu tư trồng cây mây, cây cà gai leo (dược liệu) và hàng trăm cây cau, cây ăn quả...

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", những giọt mồ hôi, công sức ông bỏ ra giờ đã thu về quả ngọt. Mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp này đem về thu nhập cho gia đình ông gần 200 triệu đồng, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Thấy cách làm của già Đũa hiệu quả, nhiều hộ trong thôn lần lượt đến học hỏi kinh nghiệm và được ông tận tình giúp đỡ, ông còn cho mượn tiền mua cây giống phát triển kinh tế rừng.
 
Anh Phạm Ế, ở thôn 1 kể: “Trước đây mình không biết cách làm ăn, cứ hay uống rượu. Nhưng từ khi được già Đũa giúp đỡ, gia đình mình biết trồng rừng, chăn nuôi, giờ đã thoát được đói nghèo”. Già Đũa còn được ví như cây “đại thụ” giữ gìn xóm làng bình yên. Anh Phạm T. ở thôn 1 là một hộ nghèo, hay đánh vợ mỗi khi say xỉn. Biết vậy, già Đũa tới nhà khuyên răn, hòa giải, anh T. dần thay đổi tính nết, lo làm ăn và thoát nghèo. Nhiều trường hợp gia đình cho con kết hôn trước tuổi quy định cũng được già Đũa khuyên giải nên hạn chế được tình trạng tảo hôn.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ Phạm Vương tự hào khi nói về già Đũa: Việc làm “không lương” của già Đũa nhiều lắm. Nhờ ông mà xóm làng bình yên, kinh tế phát triển, hộ nghèo giảm, những nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy...

TRÍ PHONG

 


.