Hướng tới sự phát triển bền vững

03:01, 02/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Đảo ngọc” Lý Sơn lâu nay do chưa có một chiến lược, kế hoạch đồng bộ, nên mới xảy ra tình trạng phát triển “nóng” và gây nên những bất cập. Hiện nay, huyện đảo đang được quy hoạch và tập trung đầu tư xây dựng, phát triển để trở thành huyện đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh.

TIN LIÊN QUAN

Những điểm mạnh, yếu của huyện đảo

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ, qua kiểm tra thực tế ở huyện đảo Lý Sơn thời gian qua, nổi lên một số việc như: Sự phân hóa giàu nghèo và tụt hậu còn thể hiện rõ, đời sống nhân dân còn khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng phá hủy cảnh quan, ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi. Việc sử dụng đất còn nhiều bất cập. Nhiều trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất không đúng thẩm quyền, sai quy định của Nhà nước, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong sử dụng đất. Ngoài ra, công tác quản lý xây dựng còn buông lỏng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng còn phức tạp. Các di tích lịch sử quý báu mà thiên nhiên ban tặng cho Lý Sơn, bao đời người dân gìn giữ, đến giờ chưa phát huy hết các giá trị di tích, danh lam thắng cảnh...

Đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn


Còn ông Tanaka Masufumi - Chủ nhiệm đồ án quy hoạch đảo Lý Sơn, thuộc Công ty Nikken Sekkei Civil (Nhật Bản) cho biết: Qua đánh giá hiện trạng đảo Lý Sơn cho thấy, huyện đảo có những điểm mạnh như: Sở hữu môi trường tự nhiên hấp dẫn, hệ sinh thái đa dạng cùng các tài nguyên du lịch phong phú về văn hóa, lịch sử. Lý Sơn có tiềm năng lớn để phát triển thành khu du lịch. Có các sản vật nổi danh như thủy sản, tỏi – hành Lý Sơn. Đặc biệt, Lý Sơn cũng nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và trong những năm gần đây, kinh tế huyện đảo có sự tăng trưởng mạnh.
 

“Để Lý Sơn phát triển bền vững, chúng ta phải tính đến kế hoạch nhiều năm, nhiều thế hệ. Đồng thời không phải phá vỡ những cái hiện có mà cần bảo tồn, gia tăng thêm những giá trị hiện có. Không phải chúng ta làm cho nhiều, thu hút nhiều dự án là phát triển bền vững. Mà phải bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa, phải mang lại lợi ích cho người dân. Chỉ khi nào sự phát triển đó đem lại lợi ích cho người dân và chỉ khi nào người dân thấy được lợi ích, thì họ mới chung tay giữ gìn, bảo tồn phát triển”.
Ủy viên Trung ương Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy LÊ VIẾT CHỮ.

Còn đối với những điểm yếu: Là sự thiếu hụt về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Thiếu lực lượng lao động và nguồn lao động chất lượng cao phục vụ du lịch. Hoạt động quảng bá du lịch quốc nội và quốc tế chưa được triển khai đầy đủ, rộng rãi. Đồng thời, sự phát triển du lịch thời gian qua quá nhanh, “phát triển nóng” đã gây nên những bất cập. Ngoài ra, tập quán địa táng dẫn đến sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch nghĩa trang và gây ô nhiễm môi trường. Quỹ đất xây dựng công viên cây xanh, công trình công cộng, thể dục thể thao, giao thông còn thấp... Thực trạng đó đòi hỏi phải có quy hoạch cụ thể để Lý Sơn phát triển bền vững.

Hướng tới sự phát triển bền vững

“Chúng tôi đưa ra ý tưởng phát triển Lý Sơn theo hướng sự hòa quyện giữa du lịch và sinh hoạt nguyên sơ của miền biển đảo. Thứ nhất, phát triển nông nghiệp và ngư nghiệp kế thừa nền tảng phát triển truyền thống từ ngàn đời của cư dân trên đảo. Thứ hai, phát triển du lịch, dựa trên phát triển nguyên sơ của nông nghiệp, ngư nghiệp trên đảo. Với dân đảo thì công việc ấy là truyền thống, nhưng với khách du lịch thì đó là một hình thức mới lạ, du khách có thể trải nghiệm hoạt động làm nông nghiệp, ngư nghiệp. Ngoài ra, khi khách du lịch đến đây, họ ăn sản phẩm từ hành - tỏi, ăn thủy sản từ đánh bắt hải sản, sẽ giúp ngư dân có thêm nguồn thu và vững lòng bám đảo, bám biển”, ông Tanaka Masufumi cho biết.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ, với Lý Sơn hiện nay thì phát triển thương mại – dịch vụ là ưu tiên số một. Thứ hai là phát triển kinh tế thủy sản, chú trọng ngành khai thác và nuôi trồng, không khuyến khích chế biến. Đồng thời quy hoạch lại nghề trồng hành, tỏi một cách hợp lý, bảo đảm việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; tăng giá trị nhưng giảm dần diện tích gieo trồng. Ngoài ra, quá trình phát triển kinh tế phải gắn với khắc phục sự phân hóa giàu nghèo, làm sao để tất cả nhân dân trên đảo cùng tham gia vào quá trình phát triển bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh.


Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.