Thức cùng xả lũ

03:12, 16/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Đó là tâm trạng chung của hàng ngàn người dân sống dọc hai bờ sông Trà Khúc thuộc huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi những ngày qua. 

TIN LIÊN QUAN

Tại thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), những ngày qua hàng trăm hộ dân chẳng dám đi đâu xa, ban đêm họ phải thay phiên nhau thức để canh nước lũ rồi báo động cho bà con. Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến ở ngay họng nước nên rất lo lắng khi chứng kiến tình hình mưa lũ diễn biến khá phức tạp. Trong đó, trong đợt mưa này, những thông tin các hồ thủy điện, thủy lợi ở miền núi xả lũ khiến nhân dân chúng tôi như ngồi trên đống lửa.

Trong đó điều chúng tôi lo nhất là thông tin các hồ thủy điện liên tục xả lũ với lưu lượng lớn. Sợ nước lũ nên chẳng đêm nào người dân thôn Thống Nhất chúng tôi yên giấc. Để không bị bất ngờ, chúng tôi đã di chuyển những đồ  dễ ướt lên cao; đồng thời hẹn đồng hồ cứ 1 tiếng lại báo thức để kiểm tra tình hình nước lũ, đề phòng nước lớn bất ngờ như năm 2013 thì khổ. “Mấy hôm nay bà con thay nhau thức canh nước lũ, nên giờ ai cũng gần như kiệt sức rồi”, ông Tiến thở dài cho biết.

 

Ông Nguyễn Văn Tiến, xã Tịnh Ấn Tây di chuyển chậu cây cảnh lên lao. Ảnh B.S
Ông Nguyễn Văn Tiến, xã Tịnh Ấn Tây di chuyển chậu cây cảnh lên cao. Ảnh B.S


Còn ông Nguyễn Minh Hải, nhà cạnh bên ông Tiến, mặc dù y, bác sĩ Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng yêu cầu phải ở lại điều trị vết thương sau ca mổ ruột già, nhưng nghe tin báo mưa lũ ở Quảng Ngãi, nhất là thông tin các hồ thủy điện xả lũ, ông nhất quyết kêu người nhà thuê xe chở về để mượn bà con, anh em di chuyển đàn heo mấy chục con đến nơi an toàn, đề phòng nước lũ lên cao như năm 2013.

Theo ông Hải, nếu các hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ với lưu lượng lớn, cộng với thời gian qua ở hạ lưu có mưa lớn, nước dâng cao rất nguy hiểm. “Nghe thông tin các hồ thủy điện, thủy lợi ở đầu nguồn xả lũ mà toát mồ hôi hột. Công sức, tiền bạc người dân tích cóp bỏ cả vào bầy heo, nay mưa lũ như vậy mà chủ quan không chuẩn bị, không di dời, lỡ nước lớn như năm 2013 thì chỉ có chết. Dù đau mấy, tôi cũng phải về nhà để nhờ bà con thức đêm di dời heo lên cao”, ông Hải cho biết thêm.

Còn tại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), những ngày qua gia đình anh Cao Văn Phước, thôn Trường Xuân khá vất vả kê dọn hàng hóa lên cao, rồi lại hạ xuống để bán cho khách. Anh Phước thở dài cho biết: Địa thế nơi gia đình anh ở rất thấp nên trận lũ năm 2013 gia đình tôi gần như trắng tay.

 

Cảnh sát giao thông, công an Sơn Tịnh và Công an xã Tịnh Sơn thức trắng đêm chốt chặn tại điểm ngập lụt cầu Ngói, thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn. Ảnh BS
Cảnh sát giao thông, công an Sơn Tịnh và công an xã Tịnh Sơn thức trắng đêm chốt chặn tại điểm ngập lụt cầu Ngói, thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn. Ảnh BS

“Tôi từng chứng kiến nhiều đợt mưa lũ lịch sử, nhưng chưa có năm nào mưa lũ lại kéo dài và diễn biến phức tạp như năm nay. Đến thời điểm này, mặc dù thiệt hại do mưa lũ không lớn, nhưng nhân dân chúng tôi khá vất vả trong việc thức cùng thủy điện để canh việc xả lũ”, anh Phước ngao ngán cho biết.

Cũng tâm trạng lo sợ nước lũ khi thủy điện Đăkdrinh và hồ Nước Trong xả lũ, anh Nguyễn Vũ, thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn đã phải dắt bò đến gửi nơi cao ráo để đề phòng nước lũ dâng cao.

Theo anh Vũ, từ khi có hồ thủy điện Đăkdrinh và hồ Nước Trong được xây dựng ở thượng nguồn sông Trà Khúc khiến nhân dân thôn Diên Niên vô cùng lo lắng mỗi khi mùa mưa đến. Bởi việc xả lũ điều tiết với khối lượng lớn như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ lưu...
 

Bá Sơn


 


.