Người dân vùng "rốn lũ" Nghĩa Hành trắng đêm chạy lũ

04:12, 16/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Hai giờ sáng, trời tối đen như mực, mưa như trút nước, nước sông Vệ đột ngột dâng cao, hàng nghìn người dân ở vùng rốn lũ Nghĩa Hành chạy rầm rập, í ới gọi nhau di chuyển đồ đạc rồi dắt trâu bò chạy lũ.
 
Trưa 16.12, vượt qua hàng chục điểm bị nước lũ ngập sâu trên Tỉnh lộ 624, chúng tôi có mặt tại xã cầu Cộng Hòa, xã Hành Thiện, cây cầu nối liền giữa thôn Ngọc Dạ và Phú Lâm Tây, hàng trăm ngôi nhà của người dân nằm dưới chân cầu Cộng Hòa ngập sâu trong nước. Trong đó, một số căn ngập gần đến nóc nhà, nhiều tài sản bị nước cuốn trôi. 
 
Trên cầu Cộng Hòa, cả nghìn người dân cùng xe ô tô, xe máy, máy cày, trâu, tủ lạnh, máy giặt cùng trâu, bò, heo, gà, vịt được người dân di dời đến đâu để tránh lũ, đề phòng trôi dạt khi lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về. 
 
Mặt mũi phờ phạch, người ướt sủng, tay chân run lẩy bẩy vì trắng đêm chạy lũ, gia đình ông ông Nguyễn Phụng ở thôn Ngọc Dạ đang hối người cột tre, người giăng tấm bạt làm chuồng “dã chiến” che mưa cho 4 con đực. 
 
 

Người dân xã Hành Thiện trắng đêm dắt trâu, bò chạy lũ.

 
Ông Phụng nói trong mệt nhọc: “Ngay từ tối qua, cả làng tôi thức trắng đêm lo chuyển lúa, gạo, đồ đạc lên cao. Đến 2 giờ sáng, lũ lên nhanh quá, tôi và ba đứa con chỉ kịp dắt trâu, bò và xe máy chạy lên cầu để tránh lũ. Từ sáng giờ mưa như trút nước, chắc nước trong nhà đã ngập sâu đến chừng 2 m”.
 
Cùng chung cảnh ngộ, chị Kim Anh và hàng trăm hộ dân trong thôn Ngọc Dạ và Phú Lâm Tây quần quật từ đêm qua đến giờ để di chuyển các vật dụng trong gia đình gát xếp rồi dắt trâu, bò chạy lũ.
 
"Chưa năm nào như năm nay, có nửa tháng mà tới 3 đợt lụt. Cứ hai, ba bữa, chúng tôi lại dắt díu nhau chạy lụt. Cầu trời đừng mưa nữa, chúng tôi khổ lắm rồi!”- chị Anh hoảng hốt nói. 
 
Qua điện thoại, ông Mai Duy Tuấn- Chủ tịch UBND xã Hành Thiện cho biết, hiện mực nước sông Vệ đang tiếp tục dâng cao vì trời đang mưa lớn, xã Hành Thiện bị chia cắt hoàn toàn và chìm sâu trong nước. Một số trụ sở cơ quan nước ngập từ 1- 2m, có nơi sâu nhất đến 2,5 m. Người dân phải di dời lên cầu Cộng Hòa để tránh lũ.
 
 
Trên cầu Cộng Hòa, cả nghìn hộ dân cùng gia súc, gia cấm
Trên cầu Cộng Hòa, cả nghìn hộ dân cùng gia súc, gia cầm đang ta túc tránh lũ.
 
Từ đêm qua và sáng nay, chính quyền địa phương đã huy động ghe, ca nô di chuyển những hộ dân có nguy cơ bị ngập sâu lên vùng cao. Đến sáng nay, người dân đã chạy lũ an toàn nhưng thóc gạo và những tài sản có giá trị của hàng nghìn hộ dân bị nước lũ nhấn chìm.
 
Địa phương cũng cắt cử đội cứu hộ túc trực ghe máy tại gia đình ông Võ Văn Phong, ở thôn Mễ Sơn, gia đình có người thân vừa qua đời, nhưng chưa kịp an tán thì bị nước lũ chia cắt để hỗ trợ gia đình di dời quan tài trong trường hợp nước lũ tiếp tục dâng cao.
 
Tại các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây cũng cùng chung cảnh ngộ. Ông Đào Thành Công- Chủ tịch UBND xã cho biết, từ chiều 15.12, toàn bộ 7/7 thôn xã Hành Tín Đông đều bị chia cắt, hơn 400 hộ dân ngập chìm sâu trong nước từ 1- 1,5m. 
 
Trước tình trạng nước lũ tiếp tục dâng cao, phương án ứng cứu hộ được triển khai, 3 chiếc ghe máy vừa giúp người dân di chuyển vừa đưa 324 hộ dân đến trụ sở UBND xã, các trường học và nhà dân ở vùng cao để tá túc tránh lũ an toàn.
 
 
Các vật dụng có giá trị cũng được người dân di chuyển lên cao.
Các vật dụng có giá trị cũng được người dân di chuyển lên vùng cao.
 
Đến chiều 16.12, trời vẫn mưa, nước sông Vệ và sông Phước Giang vẫn cuồn cuộn dâng, huyện Nghĩa Hành là địa phương bị ngập sâu nhất trong lũ.
 
Toàn huyện đã di dời được 2.976 hộ, với hơn 10.000 khẩu thuộc đối tượng ngập sâu trong nước để xen ghép với các hộ có nhà cao trong thôn, xóm, tổ dân phố, các điểm trường học, trụ sở cơ quan.
 
Ông Đàm Bàng- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay huyện đã cơ bản hoàn tất việc di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn và phân công người canh gác 24/24 tại các bến đò ngang và các điểm bị chia cắt. Đây là những điểm có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
 
Các xã cũng liên tục thông tin rộng rãi trên hệ thống loa đài về diễn biến của mưa lũ để người dân biết và có hướng đối phó hiệu quả, đồng thời sẵn sàng di dời dân nếu nước lũ tiếp tục dân cùng với cấp phát lương thực, thực phẩm đến cho người dân trong và sau lũ.
 
 

Xe máy của người dân dựng la liệt trên cầu Cộng Hòa.

 
 
Bài, ảnh: A.Kiều- T.Hậu
 
 

.