Đừng để người già sống trong nỗi cô đơn

09:12, 15/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dân số Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng, đang bước vào giai đoạn già hóa. Toàn tỉnh hiện có 150 nghìn người già. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải quan tâm, chăm lo cho người già để họ không còn cảm giác cô đơn trong cuộc sống.  

Cô đơn tuổi già

Hai vợ chồng ông Nguyễn Một (90 tuổi) ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) có hai con trai. Ông bà không thích sống chung với con cháu mà ở riêng, tự chăm sóc nhau, thi thoảng con cháu mới về thăm. Cách đây hơn 1 năm, vợ ông ra đi đột ngột vì bị tai biến. Ông Một vẫn sống một mình, không chịu về ở cùng gia đình con trai. “Thi thoảng đến nhà con trai chơi 1-2 ngày đã không chịu nổi. Suốt ngày ở trong nhà rất tù túng. Cả ngày chỉ ăn với con cháu 1 bữa cơm, sau đó đứa nào về phòng đứa nấy, không có người nói chuyện buồn lắm”, ông Một tâm sự. Dẫu thế, nhiều lúc ông Một cũng cảm thấy rất cô đơn.

 

Không có gia đình, con cái nên bà Giỏi sống trong cảnh cô đơn một mình trong căn nhà nhỏ.
Không có gia đình, con cái nên bà Giỏi sống trong cảnh cô đơn một mình trong căn nhà nhỏ.


Bà Đinh Thị Giỏi (87 tuổi), ở xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) cũng hằng ngày sống trong nỗi cô đơn của tuổi già. Bà Giỏi không có con cái, sống nhờ vào số tiền trợ cấp cho người già. “Nhiều lúc nghĩ cũng buồn lắm, ngày cũng như đêm thui thủi chỉ có một mình", bà Giỏi bộc bạch.

Cần sự thấu hiểu và chia sẻ

Trên đây chỉ là hai trong số hàng ngàn người cao tuổi (NCT) ở tỉnh ta đang phải sống trong cảnh cô đơn, trong số đó nhiều người vẫn còn có con cháu.

Theo điều tra quốc gia về NCT Việt Nam, mô hình gia đình Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ, theo đó tỷ lệ NCT sống với con cái giảm đáng kể, ngược lại tỷ lệ NCT sống cô đơn tăng cao. Thậm chí, ngay cả khi sống cùng với con cháu, NCT cũng vẫn cảm thấy cô đơn, không được chăm sóc. Nhiều NCT cho biết, khi buồn không biết chia sẻ với ai, bị nói nặng lời, bị từ chối nói chuyện, thậm chí có người bị đánh đập, đe dọa.

Ông Trần Văn Thường – Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho rằng, để nâng cao đời sống NCT, nhất là đời sống tinh thần, giúp NCT thoát khỏi sự cô đơn, đó là  phải biết thấu hiểu và chia sẻ. Thời gian qua,  các cấp hội NCT triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho NCT trong tỉnh, chia sẻ với đối tượng NCT nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa.

Tuy nhiên, theo Trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh Trần Văn Thường, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới nhu cầu của NCT như xây dựng khu vui chơi, giải trí; đầu tư xây dựng trung tâm chăm sóc NCT cũng như đào tạo đội ngũ y, bác sĩ dành riêng cho NCT, để chất lượng cuộc sống NCT ngày càng được nâng cao.

"Chúng tôi mong rằng, con cháu hãy quan tâm nhiều hơn tới đời sống của NCT bằng các hành động cụ thể như đi về chào hỏi, thưa gửi; thường xuyên hỏi han, quan tâm để NCT cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn trong gia đình mình. Bản thân những người làm công tác hội chúng tôi cũng đang có những hoạt động phối hợp giữa hội phụ nữ, đoàn thanh niên... để nâng cao ứng xử, sự thấu hiểu của giới trẻ đối với NCT, trước hết là ngay trong gia đình của mỗi cá nhân", ông Thường nói.


     Bài, ảnh:  VŨ YẾN



 


.