Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại quán bar, karaoke

02:11, 16/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke đang hoạt động. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác cháy nổ...

TIN LIÊN QUAN

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành về PCCC của tỉnh (gồm Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Xây dựng...) đã tiến hành kiểm tra toàn diện công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở vui chơi, giải trí tập trung đông người, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như karaoke, vũ trường, quán bar, nhà hàng...
 
Kiểm tra đến đâu, sai đến đó

 Theo chân đoàn kiểm tra tại một số cơ sở, chúng tôi nhận thấy, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, nhà hàng... tồn tại nhiều vấn đề đáng báo động. Đáng lo ngại nhất là, công tác PCCC phần lớn không bảo đảm.

Tại cơ sở kinh doanh karaoke Tuấn Thịnh, đường Trần Quang Diệu, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), đoàn kiểm tra phát hiện nhiều bất cập trong công tác PCCC như: Hệ thống báo cháy chưa đúng quy định, nhân viên chưa được tập huấn về công tác PCCC tại chỗ; không có bồn chứa nước chữa cháy theo đúng dung lượng đã được quy định; đường thoát nạn và thang dây chưa có…

Ở khu vực này cũng từng xảy ra 2 vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke Cường Phát từ đầu năm đến nay, nếu không có sự can thiệp kịp thời của lực lượng PCCC thì có thể ngọn lửa từ cơ sở này sẽ lan rộng ra.

Đại tá Dương Hồng Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh (bên phải) kiểm tra Công tác PCCC tại cơ sở karaoke Tuấn Thịnh.
Đại tá Dương Hồng Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh (bên phải) kiểm tra Công tác PCCC tại cơ sở karaoke Tuấn Thịnh.


Ngoài chưa đủ điều kiện về PCCC, nhiều cơ sở karaoke ở khu vực này còn treo biển hiệu vượt kích thước quy định, trang trí hệ thống đèn chiếu sáng chằng chịt, ảnh hưởng cảnh quan chung, cản trở quá trình thoát hiểm và nguy cơ gây cháy, nổ cao.

Theo đoàn kiểm tra liên ngành, đây là những lỗi vi phạm chủ yếu của các quán karaoke trên địa bàn tỉnh, bởi đa phần các cơ sở này đều được cấp phép và thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC trước thời điểm Bộ Công an ban hành Thông tư số 47, ngày 6.10.2015 về bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường và karaoke.

Phần lớn các cơ sở karaoke đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, được đầu tư xây dựng trước khi Thông tư 47 được ban hành, nên nhiều nơi chưa đáp ứng được các điều kiện về PCCC. Vấn đề này do “lịch sử” để lại, cần có thời gian, lộ trình giải quyết, nhằm tránh thiệt hại cho người kinh doanh và ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.
Đại tá DƯƠNG HỒNG SƠN- Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh.

Thượng tá Võ Việt Dũng - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Công an PCCC tỉnh), cho biết: Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy, các cơ sở này thường tự ý lắp đặt các trang thiết bị mà không có thiết kế về PCCC, phần lớn là các chất liệu dễ bị cháy nổ. Không lắp đặt các chuông báo cháy, nên khi sự cố xảy ra thì khó báo động kịp thời cho tất cả những người đang sinh hoạt trong quán. Hơn nữa, đường thoát nạn cũng không đảm bảo, hẹp; hoặc các cơ sở này được cải tạo từ nhà ở, không thiết kế phòng cháy nên nguy cơ phát sinh cháy nổ rất cao.

Kiên quyết xử lý sai phạm

 Theo quy định, điều kiện cần và đủ để một cơ sở karaoke hoạt động là phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thẩm duyệt thiết kế về PCCC, biên bản nghiệm thu về PCCC, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và giấy phép kinh doanh karaoke.

Nhưng trên thực tế, nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này chưa coi trọng công tác PCCC. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là, việc đầu tư trang thiết bị và hệ thống PCCC theo đúng quy định chiếm khoản kinh phí tương đối lớn trong tổng vốn đầu tư cơ sở vật chất kinh doanh karaoke; đồng thời với suy nghĩ không mang đến lợi nhuận trực tiếp, nên nhiều chủ quán không xây dựng.  

Đại tá Dương Hồng Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, khẳng định, đối với các cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo các quy định PCCC, thì tùy theo mức độ vi phạm mà Đoàn tiến hành đình chỉ ngay, hoặc tạm đình chỉ để khắc phục các điều kiện không đảm bảo an toàn PCCC, cũng như cứu nạn, cứu hộ.

Đoàn đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar... phải tuyên truyền cho các nhân viên hiểu biết kiến thức về PCCC; đồng thời có kế hoạch đưa đi tập huấn, để khi có sự cố xảy ra thì chủ động cùng với các lực lượng chức năng chữa cháy.
 

Bài, ảnh: P.V

 


.