Thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính: Còn nhiều điểm vênh so với thực tiễn

09:11, 06/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập giữa luật và từ thực tiễn, gây nhiều khó khăn cho việc xử lý hành chính.

TIN LIÊN QUAN

Cùng với sự phát triển kinh tế, thời gian qua, tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh ta cũng diễn ra tương đối phức tạp. Số liệu thống kê từ 19 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 38.521 vụ vi phạm hành chính, trong đó số vụ bị xử phạt là 36.556 vụ, chưa xử phạt 1.867 vụ; với 37.665 đối tượng bị xử phạt... Các cơ quan chức năng đã ban hành 37.596 quyết định xử phạt hành chính, trong đó đã thi hành xong 36.702 quyết định, với tổng số tiền trên 41,7 tỷ đồng và 2,6 tỷ đồng tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu.

 

Vỉa hè tuyến đường Nguyễn Thụy, phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi thường xuyên bị lấn chiếm, nhưng khó xử phạt hành chính.
Vỉa hè tuyến đường Nguyễn Thụy, phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi thường xuyên bị lấn chiếm, nhưng khó xử phạt hành chính.


Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 84 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trong đó có 60 đối tượng đề nghị áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 13 đối tượng đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng; 6 đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và 5 đối tượng đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...
 

Các điều kiện để đảm bảo thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa đảm bảo. Cụ thể là, chưa có hướng dẫn quy định cụ thể về mức chi, nội dung chi, nguồn kinh phí nên trong quá trình tổ chức thực hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương gặp nhiều lúng túng. Về nguồn nhân lực, các sở, ngành thì giao theo dõi công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính cho Thanh tra phụ trách. Đối với cấp huyện, thành phố hấu hết chưa bố trí cán bộ chuyên trách mà chỉ giao kiêm nhiệm cho phòng tư pháp; cấp xã giao cho cán bộ tư pháp - hộ tịch kiêm nhiệm dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh.

Lãnh đạo UBND TP.Quảng Ngãi cho rằng, việc luật quy định thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính trong 7 ngày (trước đây Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính là 10 ngày) là không đảm bảo thời gian. Đây cũng là băn khoăn chung của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh khi thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Không những thế, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không thể thực thi, do chủ cơ sở ngừng kinh doanh, một số người vi phạm gặp khó khăn, buôn bán dạo, thu nhập thấp và không ổn định... Việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt hành chính cũng gặp nhiều khó khăn, chi phí phục vụ cho công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt lớn hơn nhiều lần so với mức tiền phạt.

 Mặt khác, nội dung quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 65 và điểm b, khoản 2, Điều 28 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính bị “vênh nhau” dẫn đến việc xác định thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND các cấp.

Một điểm bất cập nữa là, “hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc” và “hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện” cũng chưa được quy định cụ thể, gây khó khăn trong việc làm căn cứ xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hiện nay cũng không có quy định nào là “khó khăn đặc biệt” về kinh tế để làm căn cứ miễn, giảm phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt. Đối với nội dung quy định tại Nghị định 81/CP cũng phát sinh nhiều vấn đề bất cập, một số quy định về biểu mẫu kèm theo không phù hợp với thể thức văn bản quy định tại Thông tư số 01/2011 của Bộ Nội vụ...

Bài, ảnh: PV

 


.