Cơ chế tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập: Vướng từ trên xuống dưới

08:11, 01/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước phải thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới theo cơ chế tự chủ về bộ máy, tổ chức, tài chính để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đó là quy định của Chính phủ tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp đối với việc sắp xếp, đổi mới theo hướng phục vụ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Khó khăn từ cơ sở

Đài Truyền thanh huyện Bình Sơn là một trong 8 đơn vị sự nghiệp công lập của huyện phải thực hiện việc sắp xếp, đổi mới theo cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, đơn vị này lại không được công nhận là cơ quan báo chí, nên rất lúng túng. Ông Nguyễn Đoàn Tuấn Kiệt - Trưởng Đài Truyền thanh huyện Bình Sơn, cho biết: Với tên gọi là Đài Truyền thanh huyện, nhưng không được cơ quan chức năng công nhận là cơ quan báo chí.

Ban quản lý Cảng Sa Kỳ là đơn vị thực hiện tốt công tác tự chủ về nhân sự, tuy nhiên lại gặp nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn về tự chủ tài chính. Trong ảnh: Hiện đại hóa dịch vụ bán vé đã tạo điều kiện cho khách tham quan, du lịch ra vào đảo Lý Sơn thuận lợi.
Ban quản lý Cảng Sa Kỳ là đơn vị thực hiện tốt công tác tự chủ về nhân sự, tuy nhiên lại gặp nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn về tự chủ tài chính. Trong ảnh: Hiện đại hóa dịch vụ bán vé đã tạo điều kiện cho khách tham quan, du lịch ra vào đảo Lý Sơn thuận lợi.

Cụ thể là, cán bộ, nhân viên làm tin, viết bài đăng phát trên đài, nhưng không được gọi là phóng viên, nhà báo. Mặt khác, chế độ nhuận bút lại “không giống ai”, vì lâu nay chỉ áp dụng chế độ nhuận bút theo văn bản của Sở Tài chính cách nay hàng chục năm. Nhuận bút trên đầu tin, bài rất thấp, trong khi cán bộ, nhân viên phải thực hiện định mức rất cao. Với vai trò là trưởng đài, nhưng bản thân tôi phải thực hiện định mức gần như 100% lương thực nhận.
 

“Hiện nay, Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện sắp xếp, đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nên việc triển khai sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo yêu cầu của UBND tỉnh thì các đơn vị phải thực hiện theo đúng lộ trình đã được duyệt”.
Ông Tôn Long Hiếu – Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh.

Về bộ máy tổ chức, đơn vị có xây dựng vị trí việc làm cho từng cán bộ, nhưng khó khả thi, vì phải kiêm nhiệm nhiều việc. Chẳng hạn, trưởng đài với chức trách là làm công tác quản lý, nhưng cũng phải tham gia viết tin, bài theo định mức lương; nhân viên vừa quay phim, viết tin bài và kiêm luôn cả phát thanh viên.

Do đó, việc xây dựng đề án vị trí việc làm theo chuyên môn hóa rất khó. Còn nếu xây dựng vị trí việc làm cụ thể cho từng viên chức thì biên chế lại “phình ra”, không đúng chủ trương thực hiện sắp xếp, đổi mới. Còn về tài chính, mỗi năm, đơn vị chỉ phát được vài bản tin dịch vụ tìm giấy tờ thất lạc, thông báo di dời mồ mả... thì lấy đâu ra nguồn thu để tự chủ.

Ngoài cơ quan Đài Truyền thanh huyện có phần đặc thù, thì ở huyện Bình Sơn còn có 7 đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện theo Nghị định 16/CP. Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Đình Trà, cho biết: Việc triển khai sắp xếp, đổi  mới các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng.

Thực tế, hầu hết các đơn vị chỉ thực hiện hoạt động quản lý nhà nước, không có nguồn thu, dẫn đến khó thực hiện tự chủ về con người, tài chính theo quy định. Chẳng hạn như Ban quản lý Cụm công nghiệp làng nghề hoạt động từ nguồn ngân sách, không thể tự chủ về con người được. Đài Truyền thanh huyện thì không được công nhận là cơ quan báo chí, nên các chế độ liên quan không biết áp dụng theo quy định nào về định mức, vị trí việc làm...

Lúng túng trong tự chủ

Nếu các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện rất khó triển khai việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo cơ chế tự chủ thì ở các sở, ngành của tỉnh lại gặp nhiều vướng mắc khác. Sở GTVT hiện có 3 đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: BQL cảng Sa Kỳ, Trung tâm sát hạch lái xe Quảng Ngãi và Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Đến nay, các đơn vị đã tự chủ được tổ chức bộ máy, hoạt động ổn định, xây dựng vị trí việc làm cho từng chức danh trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, vấn đề tự chủ tài chính thì hầu hết các đơn vị đều gặp khó. Cụ thể, để có nguồn thu, các đơn vị cố gắng tích lũy nguồn vốn để đầu tư mua sắm tài sản, mở rộng các dịch vụ, song nguồn vốn tích lũy còn quá thấp so với nhu cầu. Mặt khác, nghị định quy định đơn vị được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nhưng không giao quyền tự quyết cho thủ trưởng đơn vị, nhất là với lĩnh vực đầu tư, mua sắm tài sản phục vụ hoạt động sự nghiệp, dịch vụ của đơn vị.

Ông Đỗ Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP, ngày 14.2.2015 thay thế cho Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25.4.2006 đã gần 2 năm nay, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện cơ chế tự chủ mà yêu cầu đơn vị phải thực hiện theo hướng dẫn cũ của Nghị định 43/CP trước đây.

Việc xác định các hạng mục tài sản tham gia vào khai thác dịch vụ và các hạng mục tài sản phục vụ công cộng được Sở GTVT và Sở Tài chính phê duyệt theo quyết toán, nhưng chưa cụ thể hóa bằng văn bản làm căn cứ cho BQL thực hiện ổn định, lâu dài. Do đó, các đơn vị của Sở đều gặp khó khăn trong việc sử dụng biên chế, tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngày 14.2.2015, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Theo đó, các đơn vị này được tự chủ về bộ máy tổ chức, về nhân sự, về tài chính... Song, khi triển khai xây dựng đề án đều gặp khó khăn.

 

Bài, ảnh:  XUÂN THIÊN


 


.