Cho đời thêm vui

08:11, 10/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Báo cháu mừng, được mấy trăm quyển vở rồi”, “trời trở lạnh, chú chuẩn bị đi tặng áo ấm, quyên góp được hơn 500 cái áo mới”...  tôi thường xuyên nhận được những tin nhắn vắn tắt như thế từ ông Tạ Đình Tùng (56 tuổi, ở tổ 18, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi). Chẳng phải để khoe, mà ông muốn chia sẻ niềm vui khi sưởi ấm cho những mảnh đời bất hạnh.

Tôi biết ông Tùng đến nay ngót chục năm, trong một chuyến làm từ thiện. Ngày trước, ông sửa chữa điện tử ở gần cầu Bàu Giang, từ ngày nhà bị giải tỏa để phục vụ mở rộng Quốc lộ 1, ông về ở tổ 18, phường Nghĩa Chánh. Hôm rồi, có dịp đến nhà ông thăm chơi, tôi thấy ông vẫn thế. Ông vẫn làm công việc thường nhật: Mày mò sửa chữa từng cái tivi, đầu máy hỏng để kiếm tiền sống qua ngày.

Cuộc sống của ông có khá giả gì đâu, vậy mà quanh năm vẫn đi làm từ thiện. Ông Tùng cười khà: “Xin của người khá giả đem cho người nghèo, chứ mình có cái gì đâu”. Bí thư Chi bộ tổ 18, ông Trần Thục, nghe thế đã chen ngang: “Sao lại không, ông có tấm lòng thương người. Tình người quý lắm ông à!”.

 

Ông Tùng sửa chữa lại chiếc xe đạp cũ để cho học sinh nghèo.
Ông Tùng sửa chữa lại chiếc xe đạp cũ để cho học sinh nghèo.


Tôi đồng tình với ông Thục, đâu phải ai cũng làm được như ông Tùng. Ông Tùng "đi xin" hỗ trợ từ những người bạn, các nhà hảo tâm ở các địa phương trong tỉnh, rồi ra Đà Nẵng hay vào tận TP.Hồ Chí Minh... Người cho cái áo ấm, sách vở, người cho vài ký gạo, cứ thế ông đã kết nối tấm lòng, kết nối tình yêu thương giữa người với người trong cuộc sống.

Tháng nào ông Tùng cũng đến nhà của những người bạn, chở gạo đến cho người nghèo trong tổ dân phố. Đã có 7 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo (10kg gạo/hoàn cảnh/tháng). Nghe bà con ở địa phương kể chuyện mà ai nấy cũng đều cảm động và trân trọng việc làm của ông Tùng. Chuyện là con dâu ông Tạ Uyển (86 tuổi) ở cùng tổ dân phố, hôm nào đến bữa ăn cũng nhường cho cha chồng phần cá, thịt, còn mình ăn cơm với rau mắm, hoặc ăn phần ít hơn.

Nhiều lần chứng kiến, ông Tùng cảm động và quyết định hỗ trợ cho nhà ông Uyển 10kg gạo mỗi tháng trong suốt 1 năm. Ông Tùng nói: “Gia đình họ không nghèo, cũng không giàu, có thể lo được cái ăn qua ngày, nhưng đáng quý  ở đây là người con dâu hiếu thảo, cần được biểu dương”.

Hôm chúng tôi đến nhà, ông Tùng đang lọ mọ sửa chiếc xe đạp cũ, hỏi chuyện mới hay ông ra Đà Nẵng được người ta cho 3 chiếc xe đạp đã sử dụng. Ông mang về Quảng Ngãi sửa chữa lại để cho học trò nghèo. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Mình cứ góp nhặt, giúp đỡ được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu”, ông Tùng bộc bạch.

Bí thư Chi bộ tổ dân phố 18 cho biết, từ ngày ông Tùng phụ trách công tác khuyến học và hội chữ thập đỏ ở tổ 18, vòng tay nhân ái giang rộng hơn, người với người xích lại gần nhau hơn qua nghĩa cử cao đẹp của ông Tùng. Có rất nhiều học sinh hiếu học, người nghèo được giúp đỡ.  

Chúng tôi nói vui nhưng lại càng thêm quý ông Tùng vì lẽ, ông là người có lắm “chức” nhưng toàn là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Hiện tại ông Tùng là Đội trưởng Đội tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ huyện Tư Nghĩa, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ tổ dân phố 18, Chi hội phó Chi hội Khuyến học tổ 18.

Nghe có vẻ lạ, vì hiện ở TP.Quảng Ngãi, nhưng ông Tùng lại là Đội trưởng Đội tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ huyện Tư Nghĩa. “Giúp đỡ được mọi người thì ở đâu cũng là giúp, cũng là việc nên làm”, ông Tùng nói. Ông Tùng đã khởi xướng vận động kinh phí để tổ chức bữa ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tư Nghĩa.

Mỗi tháng 2 lần phát cơm cho bệnh nhân nghèo, qua nhiều năm hoạt động, đến nay đã có hàng chục nghìn suất cơm đầy tình nghĩa được cấp phát. Sự đồng cảm, giúp đỡ người nghèo khổ vượt qua mùa đông giá rét của cuộc đời là việc làm mà ông Tùng bảo rằng đã, đang và sẽ giúp ông cảm thấy cuộc đời này thêm vui, làm không phải vì thành tích mà để giúp cộng đồng xã hội được tốt đẹp hơn.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ



 


.