Những nẻo đường bưu tá

04:10, 18/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề, những người bưu tá của Bưu điện tỉnh đã không quản ngại khó khăn, lặn lội trên khắp mọi nẻo đường để mang những cánh thư đến từng địa chỉ, góp phần đưa thông tin đến với người dân những xóm làng xa xôi.  

Gian nan bưu tá miền núi

Nghề bưu tá vốn đã lắm gian nan, nhưng làm bưu tá ở miền núi còn vất vả hơn. Đường sá đi lại khó khăn, nhiều thôn, xóm gần như biệt lập với bên ngoài, nên để đưa được báo chí, bưu phẩm đến tận tay người dân, nhiều bưu tá phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng.

 

Đã bước sang tuổi 59, nhưng bưu tá Trịnh Thị Chủng vẫn cần mẫn chở bưu phẩm chuyển phát đến từng nhà.
Đã bước sang tuổi 59, nhưng bưu tá Trịnh Thị Chủng vẫn cần mẫn chở bưu phẩm chuyển phát đến từng nhà.


Gắn bó với nghề bưu tá ở xã Trà Nham (Tây Trà) hơn 10 năm qua, ông Phạm Văn Hoàng thuộc làu những cung đường khó ở đây. Chưa được Nhà nước đầu tư đường bê tông về Trà Nham, nên hằng ngày ông Hoàng phải vượt qua gần 10km đường đất, 15km đường nhựa để từ Trà Nham về trung tâm huyện Tây Trà nhận bưu phẩm, công văn, báo chí. Sau đó, lại tiếp tục vượt hàng chục cây số đường đất gập ghềnh đi về các thôn, xóm để phát bưu phẩm, báo chí cho các cụ già làng có uy tín tại địa phương.

“Đường từ tỉnh lộ về trung tâm xã tuy là đường đất nhưng còn bằng phẳng, dễ đi, chứ đường về thôn xóm chưa được mở rộng, san ủi nên lắm dốc, khó đi vô cùng”, ông Hoàng kể về những khó khăn. Nhà ở Trà Bồng, nhưng lại làm việc tại Tây Trà, nên mỗi tháng tiền trọ và cơm quán đã tiêu tốn của ông Hoàng phân nửa số lương. Rồi nếu cộng cả tiền xăng, tiền hao mòn xe cộ... thì số lương gần 3,5 triệu đồng mỗi tháng của ông Hoàng lúc nào cũng thiếu trước hụt sau.

Chia sẻ với những khó khăn của nghề bưu tá ở miền núi, ông Hồ Minh Sơn - Giám đốc Bưu điện huyện Tây Trà cho biết: “Ngoài tiền lương cố định, bưu tá còn được hưởng lương theo số lượng sản phẩm phát ra trong tháng. Nhưng với đặc thù là địa phương miền núi, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển phát vẫn còn khá ít, nên thu nhập của bưu tá ở miền núi vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, vào mùa mưa bão, do hạ tầng giao thông của Tây Trà vẫn chưa hoàn thiện, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sạt lở, nên hành trình của các bưu tá trên địa bàn huyện lại thêm nguy hiểm”.

Sửa soạn bước vào mùa “nhọc nhằn”

Là nghề phải rong ruổi trên mọi tuyến đường để đến tận ngõ, gõ tận nhà, trao thư, trao bưu phẩm tận tay. Đồng thời, phải chịu áp lực về thời gian chuyển phát theo yêu cầu của khách hàng, nên khi bước vào mùa mưa bão, nỗi vất vả của người bưu tá lại nhân lên gấp bội.

Nói về khó khăn của nghề khi bước vào mùa mưa bão, bà Trịnh Thị Chủng, một người có hơn 30 năm thâm niên trong nghề bưu tá tại bưu cục Cổ Lũy, TP.Quảng Ngãi cho biết: “Hầu hết bưu phẩm chuyển phát đều là giấy tờ, hoặc các sản phẩm công nghệ mà khách hàng đặt mua qua mạng, nên vào mùa mưa, chúng tôi phải nỗ lực hết sức để đảm bảo bưu phẩm chuyển phát không bị ướt. Đồng thời, đã gắn với nghề bưu tá, dù là mưa gió, bão bùng, cũng phải đảm bảo trao bưu phẩm tận tay khách hàng đúng thời gian quy định. Nhất là đối với các bưu phẩm chuyển phát nhanh, bưu phẩm hẹn phát theo giờ”.

Còn với anh Nguyễn Văn Trang, bưu tá đảm nhận chuyển phát các loại công văn KT1 trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, thì mùa mưa bão đến, cũng đồng nghĩa với việc anh Trang phải làm việc “hỏa tốc” để đảm bảo các công văn được chuyển đến các cơ quan, đơn vị đúng thời gian. “Trong đợt bão số 4 vừa qua, chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, tôi phải chuyển phát hỏa tốc 3 loại công văn về lụt bão đến các cơ quan, đơn vị. Vì toàn là công văn hỏa tốc, nên dù thời tiết bất lợi thế nào, mình cũng phải tuyệt đối đảm bảo đúng thời gian”, anh Trang tâm sự.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.