Dìu nhau đi đến hết cuộc đời

04:10, 09/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Anh chị đều là người khiếm thị, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn. Tưởng chừng số phận đã an bài, cứ lầm lũi, cô đơn, thế nhưng ở tuổi tứ tuần, hai mảnh ghép khiếm khuyết ấy lại tìm thấy nhau để cùng san sẻ, dìu nhau vượt qua những sóng gió cuộc đời. Anh là Lê Đức Hùng (49 tuổi) quê xã Đức Tân (Mộ Đức), còn chị là Nguyễn Thị Lộng (43 tuổi) quê xã Phổ Châu (Đức Phổ).

Bén duyên trên chặng đường mưu sinh

Năm lên 8 tuổi, anh Hùng bị thủy đậu, không kịp thời điều trị nên biến chứng dẫn đến mù lòa. Chị là nạn nhân chất độc da cam, từ khi mới sinh ra đã không nhìn thấy ánh sáng. Gia đình hai bên đều thuộc diện nghèo khó, nên từ nhỏ anh Hùng, chị Lộng đã sớm bươn chải lao động để nuôi sống bản thân. Anh mưu sinh bằng nghề bán vé số, rồi đến nghề làm chổi. Còn chị, tuổi thanh xuân gắn liền với những công việc nặng nhọc như thồ đất, đá...

 

 Hai vợ chồng anh Hùng, chị Lộng luôn chăm chỉ làm việc để vun vén hạnh phúc cho gia đình nhỏ.
Hai vợ chồng anh Hùng, chị Lộng luôn chăm chỉ làm việc để vun vén hạnh phúc cho gia đình nhỏ.


Tự ti và mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân, nên cả hai anh chị đều sống khép kín, thu mình lại giữa dòng đời này. “Không nhìn thấy gì nên ngại tiếp xúc, ai thuê gì làm nấy, làm xong thì về nhà chứ cũng chẳng biết đi đâu, chia sẻ cùng ai”, chị Lộng trải lòng. Mãi đến năm 32 tuổi, chị Lộng tham gia vào Hội Người mù, được Hội hỗ trợ học chữ, đào tạo nghề làm chổi đót. Cũng chính nhờ công việc này mà chị và anh gặp nhau.

“Mưu sinh bằng nghề bán vé số ở nơi đất khách cực nhọc quá nên năm 2010 tôi quyết định về quê, quay lại nghề làm chổi. Vô tình hai đứa lấy đót làm chổi cùng một cơ sở ở Mộ Đức, vậy là gặp nhau”, anh Hùng kể trong niềm hạnh phúc. Sau nhiều lần nói chuyện, gặp gỡ, chị cảm nhận được sự chất phác, đôn hậu nơi anh; còn anh lại mến chị vì giọng nói dễ thương, cùng sự chịu thương chịu khó, vậy là vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, anh chị đến với nhau trong sự chúc phúc của người thân, xóm giềng.

Siết chặt tay nhau

Sau đám cưới, anh quyết định theo chị vào Đức Phổ để sinh sống. Hằng ngày, chị và anh cùng làm chổi, rồi cùng nhau rong ruổi trên những con đường, ở những buổi họp chợ từ Đức Phổ đến Tam Quan (Bình Định) để bán chổi mưu sinh. Làm gì cũng có nhau, dù là việc nhẹ nhàng hay nặng nhọc, về bên nhau cả hai như tìm được niềm hạnh phúc quý giá nhất của cuộc đời mình.

Từ ngày có anh, cuộc sống của chị Lộng như sang một trang mới, chị vui vẻ, tự tin và yêu đời hơn. Có anh bên cạnh, san sẻ bớt công việc, chị có nhiều thời gian dành cho công tác ở Hội Người mù. Từ năm 2010, chị là một trong những cán bộ chủ chốt, nằm trong Ban Chấp hành Hội Người mù huyện Đức Phổ.

Cùng với vai trò là Chi hội trưởng Chi Hội Người mù xã Phổ Châu, chị luôn quan tâm đến đời sống hội viên, thường xuyên đến các điểm trường trên địa bàn huyện để bán tăm của Hội, gây quỹ giúp đỡ những hội viên gặp khó khăn. “Anh luôn cho tôi niềm tin, mình có thể làm được mọi thứ. Và chúng tôi luôn tự động viên nhau sống bản lĩnh và lạc quan hơn”, chị Lộng chia sẻ.

Trong căn nhà nhỏ vỏn vẹn chỉ hơn 15m2 nhưng mọi vật dụng, đồ dùng trong nhà đều được bàn tay khéo léo của chị Lộng sắp xếp một cách gọn gàng, ngay ngắn. Chung sống với nhau đã gần 6 năm, anh chị có một thiên thần nhỏ khỏe mạnh nay đã 4 tuổi, dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn, nhưng tổ ấm nhỏ của anh chị luôn ngập tràn tiếng cười.

Chăm sóc con nhỏ, tưởng chừng sẽ là thử thách, khó khăn lớn đối với hai vợ chồng mang nhiều khiếm khuyết như anh Hùng, chị Lộng. Nhưng khi gặp gỡ, tiếp xúc với anh chị, chúng tôi lại thấy nó giản đơn, bình thường biết bao nhiêu. Tình yêu có thể làm con người mạnh mẽ, kiên cường hơn và gia đình chính là nơi bắt nguồn yêu thương, là động lực để anh chị cùng nhau cố gắng, vượt qua mọi chông gai trên đường đời.


Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.