Những người ở lại

09:09, 05/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tâm Điều dưỡng người có công Quảng Ngãi đang nuôi dưỡng 15 cụ là đối tượng người có công với cách mạng. Mỗi người có hoàn cảnh, số phận khác nhau, nhưng đều có điểm chung là từng đi qua khói lửa chiến tranh.

Nơi chia buồn sớt vui

Phòng ở của các cụ là 2 người, với tủ giường riêng, rộng rãi. Đi qua gần hết cuộc đời với bao mất mát, hy sinh, nên giờ đây trong mỗi cụ chỉ còn là những ký ức xưa và nay. Hàng ngày các cụ cùng nhau sinh hoạt, ghé qua phòng thăm nom, trò chuyện và cũng không thiếu những “hờn giận”. “Mỗi người một tính, nhưng mà vui”, bà Tạ Thị Hợi (68 tuổi) quê ở Bình Thanh Đông (Bình Sơn) vừa lặt mớ rau, vừa mở đầu câu chuyện.

Bà kể, lúc chiến tranh, bà hoạt động cơ sở tại xã Bình Thanh và Bình Hiệp. Gia đình bà có 4 anh, chị em đều tham gia kháng chiến, thì hy sinh mất 3. Người chồng của bà vừa đám hỏi xong cũng lên đường nhập ngũ, rồi mất ở chiến trường...

Các cụ thường xuyên ghé thăm, trò chuyện cùng nhau.
Các cụ thường xuyên ghé thăm, trò chuyện cùng nhau.


Sau giải phóng, bà Hợi quyết định ở vậy nuôi mẹ già. Một mình lủi thủi trong ngôi nhà nhỏ ở quê, đến năm  2015, bà chuyển vào ở Trung tâm. Tại đây, bà cùng các cụ khác không phải lo chuyện ăn uống hay đau ốm. Niềm vui của các cụ là cùng nhau đi dạo, ngắm biển mỗi khi chiều xuống, nhâm nhi cốc trà buổi sáng, hay tham gia quét dọn vệ sinh. Mùa mưa thì tăng gia trồng rau, đến bữa ăn xúm xít cùng nhau lặt rau, làm thịt cá, trổ tài nấu những món ưa thích... Có cụ được bà con đưa về quê chơi ít ngày, khi lên cũng tay xách nách mang “đặc sản” đến từng phòng chia cho mọi người...

Trong căn phòng nhỏ của vợ chồng ông Lê Quý Đẩu (89 tuổi) và bà Trần Thị Luật (89 tuổi) quê ở Bình Hiệp (Bình Sơn) được sắp xếp gọn gàng, đầy đủ tiện nghi như một ngôi nhà riêng. Bà Luật ngồi lặng lẽ trước màn hình tivi, chồng bà – ông Đẩu bị đau chân đang được điều trị ở TP.Hồ Chí Minh đã hơn tuần nay. “Vắng ông ấy mới có vài ngày, mà tôi cứ thấy trống vắng làm sao...

Mong ông ấy sớm bình phục trở về để căn phòng vui hơn”, bà Luật mong ước. Thời trẻ, vừa cưới nhau, ông Đẩu thoát ly, một mình bà Luật làm lụng nuôi bố mẹ chồng. Bà chờ đợi ông hơn 20 năm mới được gặp lại, nhưng không may là vợ chồng không có con cái, nên khi già yếu, ông bà được đón về trung tâm nuôi dưỡng. “Lúc nào cũng phải có bà ở bên, ông Đẩu mới yên tâm, nên chúng tôi đưa bà vào đây ở cùng ông luôn”, anh Đinh Duy Long - Phó Giám đốc Trung tâm cho hay.

Chuyện thường ngày ở Trung tâm

Chị Ngô Thị Hóa – Giám đốc Trung tâm chia sẻ, làm công việc chăm sóc các cụ già phải chịu khó, biết lắng nghe và chia sẻ, nếu không thì sẽ dễ dẫn đến tổn thương, hay làm các cụ tự ái. “Ví như 2 cụ ở cùng phòng, một người thích nằm quạt, một người thích nằm điều hòa là cũng  nảy sinh chuyện rồi. Không chỉ vậy, các cụ còn phản ánh chuyện vệ sinh, ăn uống...”, chị Hóa kể.

Các cụ còn phàn nàn nhiều vấn đề trong các cuộc họp chi bộ. Hiện có 2 cụ khỏe mạnh cùng sinh hoạt trong chi bộ với cán bộ Trung tâm, nên những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày đều được các cụ phản ánh. Rồi chuyện trái gió trở trời, đề xuất cái này, xin phép cái kia, chở đi hớt tóc, chở đi lấy thư... cứ tất bật lo toan như chăm sóc con mọn.

Để được nhận vào trung tâm, các cụ phải hội đủ điều kiện như là người có công cách mạng, neo đơn, không nơi nương tựa. Hằng tháng, mỗi cụ đóng cho Trung tâm 900.000 đồng cho ba bữa ăn mỗi ngày, còn lại các chi phí sinh hoạt cũng như khám chữa bệnh được Trung tâm hỗ trợ. Các cụ ở đây đều là những người già yếu, trẻ nhất cũng đã qua tuổi 60, còn già thì đã gần trăm tuổi. Khi các cụ vào đây phải tuân thủ lịch sinh hoạt nghiêm ngặt, nên dù có phần không thoải mái, nhưng đa số đều thấy khỏe ra.

Bà Võ Thị Minh Thư (72 tuổi) quê ở xã Phổ Quang (Đức Phổ), thương binh 3/4 nói, đây là gia đình thứ hai của bà. Bà Thư ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh từ năm 1996, vừa qua bà được chuyển xuống Trung tâm Điều dưỡng người có công. “Ở Trung tâm nào cũng vậy, mình đau ốm thì có hộ lý, y tá. Tôi ở quen rồi, nhiều người cùng lứa tuổi ở với nhau nên rất vui”, bà Thư cười bảo. Đây cũng là tâm sự chung của các cụ đang sống ở đây.

Tin rằng, với sự tận tình chăm sóc của cán bộ, nhân viên trung tâm sẽ giúp các cụ vơi đi nỗi buồn về những mất mát của gia đình trong chiến tranh để sống vui, sống khỏe những ngày tháng cuối của cuộc đời.

Bài, ảnh: VŨ YẾN


.