Minh bạch và đơn giản hóa

02:09, 28/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là mục tiêu mà Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (VPĐKĐĐ) đề ra trong việc giải quyết các phần việc liên quan đến các thủ tục về đất, nhằm hướng đến mục tiêu tăng chỉ số tiếp cận đất đai trong chỉ số chung PCI năm 2016.

TIN LIÊN QUAN

Thư xin lỗi đi kèm với đánh giá cán bộ

Nếu như trước đây, khi chưa thành lập VPĐKĐĐ, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), giải quyết các thủ tục, hồ sơ liên quan đến đất đai dường như mỗi nơi mỗi kiểu, dẫn đến thời gian kéo dài nhiều tháng trời, thậm chí nhiều năm. Điều này khiến người dân mất kiên nhẫn trong việc đi làm các thủ tục, giấy tờ liên quan đến tài sản đất.

Cán bộ VPĐKĐĐ chi nhánh TP. Quảng Ngãi hướng dẫn người dân làm các hồ sơ về đất.
Cán bộ VPĐKĐĐ chi nhánh TP. Quảng Ngãi hướng dẫn người dân làm các hồ sơ về đất.


Trước thực tế trên, việc ra đời VPĐKĐĐ đã mang lại những thay đổi rõ nét. Theo ông Nguyễn Khiêm - Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh, sau khi hợp nhất và làm việc theo “hàng dọc”, việc đầu tiên là đưa ra một quy định làm việc chung và áp dụng cho các chi nhánh. “Trước đây, 14 chi nhánh sử dụng 14 kiểu giải quyết hồ sơ khác nhau. Đây chính là điểm nghẽn, nên chúng tôi đã quyết tâm thay đổi.

Ngoài việc thống nhất một cách làm, thì hầu hết hồ sơ của công dân nộp vào đều được xử lý thông qua mạng internet, nên giảm thời gian đi lại của cán bộ, viên chức và người dân. Phải khẳng định rằng, sau khi áp dụng cách làm mới, công tác giải quyết hồ sơ, giấy tờ liên của công dân rất hiệu quả”, ông Khiêm cho hay.

Cùng với chỉ đạo của Sở TN&MT, VPĐKĐĐ đã chỉ đạo quyết liệt đến các chi nhánh trong việc minh bạch, công khai trong việc giải quyết hồ sơ của công dân. Đặc biệt, là việc phân công nhiệm vụ và xử lý công việc diễn ra trên mạng nội bộ, nên chậm chỗ nào là nhận ra ngay. Việc giám sát không chỉ có lãnh đạo VPĐKĐĐ, mà lãnh đạo Sở TN&MT cũng tham gia giám sát. Nếu “nghẽn” điểm nào, người xử lý công việc ở vị trí đó phải chịu trách nhiệm.

“Trước hết là phải viết thư xin lỗi công dân, giải thích vì sao chậm trễ và trình lên lãnh đạo Sở xem xét, ký xác nhận. Nếu lỗi là do yếu tố khách quan thì chỉ xin lỗi công dân là đủ, nhưng nếu nguyên nhân là do chủ quan, cán bộ đó phải viết kiểm điểm và lưu hồ sơ để đánh giá, xếp loại cán bộ. Không có chuyện chúng tôi “làm màu”, đã có nhiều cán bộ phải viết thư xin lỗi rồi. Hầu hết là do nguyên nhân khách quan, nhưng không phải cứ “đổ” cho khách quan là được. Để chậm trễ nhiều lần, viết thư xin lỗi nhiều lần thì vị trí sẽ luân chuyển làm việc khác”, ông Khiêm quả quyết.

Người dân không nên mất tiền cho “cò” đất

Theo ông Nguyễn Khiêm, nguyên nhân chỉ số tiếp cận đất đai (trong các chỉ số PCI) đạt thấp là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức địa chính cấp xã, phường còn yếu về năng lực giải quyết hồ sơ liên quan đến đất. Đồng thời, một số người dân không hiểu trình tự làm các thủ tục liên quan đến tài sản là đất của mình, chỉ nghe “cò" đất "dọa” là làm hồ sơ đất rất khó, nên nhờ hết vào “cò”.

“Người dân khi muốn làm các thủ tục liên quan đến đất có hai lựa chọn, một là nộp hồ sơ tại địa chính xã, hai là mang hồ sơ đến nộp trực tiếp tại phòng một cửa địa phương quản lý đất và cán bộ, nhân viên chi nhánh VPĐKĐĐ của huyện đó hướng dẫn thực hiện các thủ tục cần thiết để sang tên, chuyển nhượng, hay tách thửa...”, ông Khiêm nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay do nhiều người dân không nhận thức đầy đủ các thủ tục về giải quyết đất đai, nên nhiều “cò” đất đã “dọa” muốn nhanh thì phải “chung chi" cho lãnh đạo, nhân viên. Vì sợ hồ sơ, giấy tờ đất gặp trục trặc, nên nhiều người chấp nhận đưa tiền thêm cho các đối tượng... môi giới.

 “Chúng tôi xác định minh bạch thông tin là ưu tiên hàng đầu, nên không có chuyện “cò cuốc” gì ở đây hết, người dân cứ đến các chi nhánh VPĐKĐĐ để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất. Nếu cán bộ nào tắc trách thì công dân phản ánh theo đường dây nóng của Sở để chúng tôi xử lý”, ông Khiêm khẳng định.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.