Hành trình đến "bờ vực thẳm" của một chủ khách sạn

04:09, 10/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã hơn chục năm nay, mãi đến đầu tháng chín rồi, tôi mới có dịp gặp lại ông Lương Minh Sơn (SN 1953) ở xã Tịnh Ấn Đông, TP. Quảng Ngãi. Khác với bao lần gặp trước, lần gặp này trông ông khá tiều tụy, tinh thần suy sụp, không còn ra vẻ oai phong của ông chủ Tổ hợp nhà hàng khách sạn Sơn Long ngày nào.

Ông Sơn bộc bạch: “Cuộc đời không ai biết được tương lai của mình ngày mai thế nào. Tôi cũng vậy, bao nhiêu dự định, toan tính đầu tư hàng chục tỷ đồng làm ăn, nhưng giờ không chỉ trắng tay mà còn là con nợ lớn của ngân hàng, anh em, bạn bè...”. Thật vậy! Với ông, giờ đây ra khỏi cổng là gặp nợ. Mười năm về trước, cái gọi là tiền tỷ, tiền triệu đối với ông chẳng mấy khó khăn gì, nhưng nay chỉ mươi ngàn thôi cũng là lớn đối với ông rồi.

 

Tổ hợp nhà hàng- khách sạn Sơn Long được định giá 7,7 tỷ đồng.
Tổ hợp nhà hàng- khách sạn Sơn Long được định giá 7,7 tỷ đồng.


Bao năm qua, ngôi nhà là chốn đi về đã không còn, sáu con người trong gia đình tá túc trong cơ sở kinh doanh giờ cũng bị xiết nợ, cả gia đình không biết đi về đâu. Thấy chúng tôi bước vào nơi ở, một bé nhỏ vội chạy đến bên ông Sơn, hỏi không ngớt lời: Họ đến lấy nhà mình hả ông? Con không chịu đâu! Nghe vậy, ông Sơn vội quay mặt lấy khăn lau nước mắt, rồi bảo: Không đâu con. Các chú đến thăm đấy. Nghe vậy, cháu bé ùa ra ngoài sân chơi. Ông Sơn cùng tôi trò chuyện.

Ông nói: “Tôi thì sao cũng được. Chỉ tội nghiệp hai đứa cháu nội, chưa lo được gì mà nay lại làm tụi nhỏ sốc nặng”. Đấy là bi kịch, là nỗi đau tột đỉnh cả về tinh thần lẫn thể xác, mà gia đình ông Sơn đang oằn vai chịu đựng.
 

Sáng ngày 6.9, làm việc với phóng viên Báo Quảng Ngãi, ông Phạm Văn Khánh- Trưởng Chi cục THADS TP. Quảng Ngãi, nói: Vụ việc này THADS thành phố tiếp nhận bàn giao từ THADS huyện Sơn Tịnh. Việc thỏa thuận giữa bà Nguyễn Thị Kim Sơn với ông Sơn không thực hiện được là do bà Sơn yêu cầu Ngân hàng cho vay lại số tiền mà bà đã trả giúp ông Sơn (trên 3 tỷ đồng), nhưng ngân hàng không chấp thuận. Còn việc định giá tài sản chỉ có 7,7 tỷ đồng là chỉ tính tài sản trên đất, phần đất Nhà nước cho thuê 49 năm nên không thể định giá. Hiện việc xử lý tài sản của ông Sơn để đảm bảo thi hành án theo quy định pháp luật vẫn đang được THADS thành phố triển khai thực hiện.

Giữa những năm 2000, khi cầu Trà Khúc 2 được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội vàng cho vùng đất Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh (nay là TP.Quảng Ngãi) đô thị hóa. Theo tiếng gọi của địa phương, ông Sơn – một hộ kinh doanh cá thể lúc bấy giờ đã quyết định đầu tư Tổ hợp nhà hàng khách sạn Sơn Long ở phía tây đường dẫn vào đường cầu Trà Khúc 2, nay là tuyến đường Bắc - Nam.

Tiền, vàng của gia đình, anh em, bạn bè và vốn vay ngân hàng được ông dồn vào tổ hợp với niềm tin: “Có gan làm giàu”, mặc cho thiên hạ bàn tán cho rằng ông bị “hâm”. Cuối cùng thì tổ hợp nhà hàng- khách sạn Sơn Long hoành tráng nhất nhì tỉnh lúc bấy giờ, rộng khoảng 7.000m2, được Nhà nước cho thuê đất 49 năm cũng hoàn thành, có giá trị xây dựng trên chục tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng Vietinbank 4,5 tỷ đồng.

Sau khi đưa vào sử dụng, cơ sở đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách trong và ngoài tỉnh, tạo được thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng- khách sạn. Nhưng rồi niềm vui đó không trọn vẹn, đến những năm 2010, bức tranh kinh tế thế giới, trong nước ảm đạm, hàng loạt doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ, phá sản.

Cơ sở của ông Sơn cũng không thoát khỏi khó khăn. Khách đến ở cũng không, tiệc cũng chẳng có, trong khi lãi và nợ gốc phải trả ngân hàng mỗi quý gần 300 triệu đồng. Không thể ngoảnh mặt để em rơi xuống bờ vực phá sản, bà Võ Thị Luận đã cho ông Sơn mượn 20 cây vàng và 1,4 tỷ tiền mặt để thanh toán nợ cho ngân hàng được 2 tỷ đồng và một số khoản nợ khác. Nhưng rồi sau đó cơ sở kinh doanh bết bát đã không cứu vãn được tình thế, ngân hàng đành khởi kiện chốt khoản nợ cả gốc và lãi hơn 3,1 tỷ đồng.

Những người cho ông vay mượn tiền mặt, cầm cố sổ đỏ nhà đất không một ngày nào khỏi bủa vây đòi nợ với số tiền hàng tỷ đồng, khiến cả gia đình ông Sơn như ngồi trên đống lửa, ông Sơn thì không dám bước chân ra khỏi nơi ở. Ngay cả người chị của vợ ông cũng đành bóp bụng khởi kiện đòi lại vàng và tiền đã cho mượn.

Dẫu vậy, trong những tháng ngày đó, ông Sơn vẫn lần tìm đối tác sang nhượng cơ sở kinh doanh này để trả nợ. Đầu năm 2016, bà Nguyễn Thị Kim Sơn ở TP. Hồ Chí Minh đồng ý mua cơ sở kinh doanh trên phần diện tích 4.000/7.000m2 với giá 11,5 tỷ đồng. Lúc này ông Sơn như người đuối nước nhặt được phao, song khi làm thủ tục giữa Ngân hàng Vietinbank và THADS TP. Quảng Ngãi và cơ quan quản lý đất đai thì không tìm được tiếng nói chung, nên bà Nguyễn Thị Kim Sơn rút lại thỏa thuận với ông Sơn

Đầu tháng 8.2016, THADS TP.Quảng Ngãi thông báo định giá toàn bộ tổ hợp này với giá 7,7 tỷ đồng. Ông Sơn bức xúc nói: “Tài sản trị giá không dưới 20 tỷ đồng, nay THADS thành phố thông báo chỉ có 7,7 tỷ đồng thì làm sao có thể chấp nhận để thi hành án chứ! Nợ  phải trả là điều hiển nhiên, nhưng tôi chỉ mong rằng, THA cho tôi cơ hội làm ăn, để tôi nuôi sống gia đình bằng cách bán một nửa cơ sở”.


Bài, ảnh: P.Đức- B.Sơn




 


.