Trung tâm cai nghiện "vắng" học viên

04:08, 15/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tâm GDLĐXH tỉnh là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, quản lý người cai nghiện ma túy tập trung. Tuy nhiên, hiện nay trung tâm chỉ có 3 học viên. Nguyên nhân, là do việc tiếp nhận học viên cai nghiện bắt buộc hiện gặp khó khăn, vì vướng một số thủ tục pháp lý.

Vắng học viên cai nghiện

Chúng tôi đến Trung tâm GDLĐXH tỉnh, bước vào khuôn viên dành cho học viên cai nghiện, nhưng khung cảnh ở đây khá vắng vẻ. Dãy phòng ở, sinh hoạt cho người nghiện ma túy giờ đây được tận dụng làm nơi tá túc cho hàng chục người lang thang cơ nhỡ. Trung bình mỗi năm, trung tâm này tiếp nhận 20-30 người cai nghiện bắt buộc, nhưng hiện tại chỉ còn 3 học viên.

Do vướng các quy định nên Trung tâm GDLĐXH tỉnh khó tiếp nhận học viên cai nghiện bắt buộc.
Do vướng các quy định nên Trung tâm GDLĐXH tỉnh khó tiếp nhận học viên cai nghiện bắt buộc.

Việc thiếu vắng học viên cai nghiện dẫn đến nhiều hoạt động khác như lao động, dạy nghề cũng bị ngưng trệ. khoảng 20 máy may, xưởng cưa hỗ trợ học nghề cho người nghiện vận hành không thường xuyên, vì không có đủ người sử dụng. “Hằng ngày ở đây có 3 anh em, nên chúng tôi thấy buồn tẻ, cũng không hứng thú mấy với hoạt động ở đây”, Q. học viên cai nghiện ở trung tâm chia sẻ.

Hiện toàn tỉnh có hơn 300 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm GDLĐXH tỉnh chưa tiếp nhận học viên cai nghiện bắt buộc nào. Để giải quyết việc làm cho hơn chục nhân viên, trung tâm  phải chuyển họ sang làm công tác xã hội là chăm sóc đối tượng lang thang. Trong khi đó, các đối tượng nghiện ma túy vẫn hoạt động ngoài xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an ninh trật tự.
 

“Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu cho tỉnh về Đề án thành lập Trung tâm công tác xã hội, trên cơ sở hợp nhất Trung tâm GD-LĐXH và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, nhằm phục vụ đa dạng đối tượng, như trẻ em, người tàn tật lang thang, nhiễm HIV… Đối với công tác cai nghiện từ chỗ khó tiếp nhận học viên cai nghiện bắt buộc thì sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút đối tượng cai nghiện tự nguyện”.
Ông NGUYỄN THU TRANG- Giám đốc Trung tâm GDLĐXH tỉnh.

Vướng mắc do đâu?

Ông Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm GDLĐXH tỉnh giãi bày: Vướng mắc chủ yếu ở trình tự thủ tục cai nghiện bắt buộc. Trước kia, việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp huyện và tương đương.

Còn hiện nay, theo Nghị định 221/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15.2.2014, muốn đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc thì phải xác định được tình trạng nghiện, tiến hành xử phạt hành chính, sau đó đưa về giáo dục tại xã, phường, thị trấn; nếu tái nghiện thì mới đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện hiện nay cũng phải qua nhiều cơ quan như công an xã, huyện, Phòng Tư pháp, Phòng LĐ-TB&XH, TAND cấp huyện, thành phố nên mất rất nhiều thời gian. Nếu thực hiện theo đúng quy trình, thời gian ra được quyết định đưa người đi cai nghiện nhanh nhất cũng mất 1 tháng.

Trong thời gian chờ có quyết định, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở xã hội quản lý. Tuy nhiên, các địa phương chưa có nhà lưu giữ, không có cán bộ chuyên môn để xử lý cắt cơn nghiện nên việc quản lý, lưu giữ đối tượng là rất khó.

“Vì thiếu học viên cai nghiện, nên vừa qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ Trung tâm triển khai điều trị cai nghiện cho học viên bằng chất thay thế Methadone, nhưng chúng tôi không thể áp dụng. Nếu không có giải pháp phù hợp, số người nghiện sống ngoài cộng đồng sẽ tiếp tục có xu hướng gia tăng, dẫn đến tình hình an ninh trật tự sẽ phức tạp”, ông Trang nói.

Không chỉ khó khăn trong công tác quản lý người nghiện, mà hoạt động trợ giúp người nghiện sau cai cũng còn bỏ ngỏ. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có giải pháp chung tay tạo điều kiện giúp người nghiện được học nghề, giải quyết việc làm để họ mưu sinh, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Bài, ảnh: KN
 


.