Sạt lở uy hiếp nhà dân

02:08, 16/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa mưa bão đang cận kề, nhiều người dân sống trong vùng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đang âu lo bởi tình trạng xâm thực, sạt lở đang ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng, nhà cửa, hoa màu của họ.

TIN LIÊN QUAN

Từ phên tre chống sạt lở bờ sông...

Sống sát bờ sông Vệ, cứ vào mùa mưa lũ là khoảng 60 hộ dân ở đội 2, thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) lại lo sợ trước tình trạng sạt lở bờ sông. Không có đủ tiền để làm bờ kè kiên cố, nhiều hộ dân đã dùng nan tre đan thành những tấm phên để chống chọi với sạt lở.

Người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ làm kè tạm chắn sóng.
Người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ làm kè tạm chắn sóng.


Ông Hồ Thanh Giới ở thôn An Chỉ Tây cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ nghe thông báo có bão lũ, là hàng chục hộ dân ở đây phải lo dọn dẹp đồ đạc để di dời vào trung tâm xã tá túc. Mới vào tháng 2.2016, nước lũ từ đầu nguồn đổ về đã cuốn phăng 4m con đường liên thôn. Bây giờ mép sông chỉ còn cách nhà vài bước chân. Chúng tôi phải thuê xe chở đất đá về gia cố lại, đồng thời dùng phên tre để chống sạt lở?

Theo nhiều hộ dân, trước tình trạng sạt lở ngày càng nặng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân tiền mua tre để trồng dọc bờ sông để chống sạt lở. Tuy nhiên, cũng phải mất rất nhiều thời gian cây tre mới trưởng thành để giữ được đất, trong khi tình hình mưa lũ đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Bà Lê Thị Phương ở thôn An Chỉ Tây cho biết: "Những năm gần đây lũ về ngày càng nhanh. Riêng đợt lũ lịch sử năm 2013, gia đình không kịp trở tay. Nhiều gia súc, gia cầm đã bị lũ cuốn trôi. Việc người dân dùng đất và tre để chống chọi với tình trạng sạt lở chỉ là biện pháp tạm thời. Còn về lâu dài, người dân rất mong Nhà nước đầu tư xây bờ kè chống xói lở, hoặc di dời người dân đến nơi khác an toàn hơn”.

Về vấn đề trên, một cán bộ xã phụ trách thủy lợi của xã Hành Phước cho biết: "Tình trạng sạt lở bờ sông ở thôn An Chỉ Tây đã rất nguy cấp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất lúng túng vì kinh phí xây dựng kè là rất lớn, xã không kham nổi. Rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ xây kè chống sạt lở cho dân trước mùa mưa bão năm nay".

 ...đến làm kè giữ từng mét đất  ven biển

Phổ Thạnh (Đức Phổ), một trong những xã  chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng nước biển xâm thực; tập trung ở các thôn Thạch Bi 1, Thạch Bi 2, Thạnh Đức. Ở những nơi chưa được đầu tư xây dựng kè, người dân phải tự bỏ tiền để gia cố nhà cửa.

Ông Cao Vũ Giã, ngụ thôn Thạch Bi 1 cho biết: "Năm 2013, sóng biển đánh giật mạnh vào tới nhà tôi. Sợ nhà sập, gia đình phải bỏ ra 10 triệu đồng để làm kè tạm chắn sóng. Tuy nhiên, mỗi năm sóng biển lại xâm lấn vào một ít, bờ kè tự làm cũng bắt đầu xuống cấp dần. Gia đình tôi rất lo lắng trước mùa mưa bão năm nay”.

Không chỉ ông Cao Vũ Giã, mà rất nhiều hộ dân ở xã Phổ Thạnh sống gần mép biển phải tự bỏ tiền để làm bờ kè tạm chống chọi với sóng dữ. Ông Trần Quận, ngụ thôn Thạch Bi 1, cho biết: Cách đây khoảng chục năm, nhà mình từng bị sóng biển đánh sập, nên gia đình phải xây dựng một bờ kè chừng 17m. Kinh phí xây dựng kè tạm bợ, nhưng tốn kém hơn cả việc xây nhà”.

Ông Lê Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: "Địa bàn xã Phổ Thạnh là nơi chịu ảnh hưởng nặng của triều cường xâm thực. Hiện tỉnh đang đầu tư xây dựng tuyến kè Thạnh Đức, với vốn đầu tư khoảng 15 tỉ đồng. Hiện chúng tôi đang đốc thúc đơn vị thi công hoàn thành trước 30.8. Riêng tại các điểm bị xâm thực khác, vẫn chưa có kinh phí xây dựng. Huyện rất mong tỉnh, trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư”.  
 

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.