Ký sự pháp đình:
Khi đồng tiền che lấp tình thân (Kỳ 2)

09:08, 24/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Khi đất hóa “vàng”, không ít gia đình rơi vào cảnh nén bạc đã đâm toạc tình máu mũ, ruột thịt. Trước tòa, họ yêu cầu tính cả chi phí ăn uống và chi phí ma chay cho cha mẹ đã khuất.

TIN LIÊN QUAN

Đời nào cũng thế! Chữ hiếu là nền tảng của đạo đức, là nét đẹp trong tâm hồn mỗi con người. Phụng dưỡng cha mẹ là trách nhiệm, là hạnh phúc, là trân quý người sinh thành dưỡng dục ra mình. Vậy mà…! 
 
Mới đây anh em một gia đình ở phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi vì bất hoà phải kéo nhau ra tòa và yêu cầu tính cả chi phí ăn uống và chi phí ma chay cho cha mẹ đã khuất. Họ đâm đơn kiện nhau ngay sau ngày cha mẹ họ mất chỉ mới 1 năm.
 
Trong vụ án được tòa án xử vào một ngày đầu năm 2016, nguyên đơn là 6 anh, chị em ruột khởi kiện bị đơn tên L là anh trai trưởng của họ. Cha mẹ họ mất có để lại di chúc thừa kế, nhưng chưa hợp lệ nên xảy ra nhiều chuyện bi hài.
 
Hôm ấy, bên ngoài phòng xử án, không khí thật náo nhiệt, dòng người hối hả, tất bật, trái ngược với cảnh trang nghiêm của phiên tòa. Không gian phòng xử án im ắng. Nguyên đơn, bị đơn tóc đã hoa râm. Khoảng cách giữa “hai phe” chỉ là lối đi, nhưng dường như xa vời vợi.
 
Để đảm bảo phần lợi ích của mình tối đa, cả nguyên đơn và bị đơn đều thuê luật sư biện hộ cho mình. Tài sản tranh chấp là phần đất mà cha mẹ họ để lại. 
 
Sinh thời cha mẹ vất vả tạo ra của cải để cho con cháu sau này thừa hưởng, không ai nghĩ rằng anh em tranh giành để rồi tình cảm bất hòa.
 
Tại phiên tòa, không những tranh nhau di sản thừa kế, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà bị đơn còn yêu cầu tính chi phí ăn uống, ma chay cho cha mẹ đã khuất.
 
Ông L yêu cầu các nguyên đơn phải trả cho mình chi phí ăn uống mà vợ chồng ông đã lo cho cha mẹ trong suốt 17 năm (từ năm 1989 đến 2006) với tổng số tiền hơn 434 triệu đồng.
 
Theo ông L thì chi phí nuôi cha mẹ mỗi ngày mình bỏ ra là 70 nghìn đồng, trong đó nuôi cha là 30 nghìn đồng và nuôi mẹ là 40 nghìn đồng.
 
Các nguyên đơn phản ứng quyết liệt, vì cho rằng, ông L đưa mẹ về ở với mình từ năm 2001 chứ không phải 1989 như ông trình bày. 
 
Mặc khác, tiền nuôi cha mẹ là tiền có được khi cha mẹ chuyển nhượng đất cho một số người khác, ông L cất giữ rồi chi ra chứ không phải tiền của bị đơn.
 
Và khi cha mẹ còn sống, ông L phân công chị dâu nuôi 1 ngày, ông nuôi 2 ngày. Tiền ăn uống cho cha mẹ, mỗi ngày ông phát 8 nghìn đồng chứ không phải 70 nghìn đồng. Đến năm 2006, trước khi cha mẹ mất, ông L mới tăng lên 10 nghìn đồng.
 
Sau khi nhận tiền từ ông L, người chị dâu đi chợ về nấu ăn tại nhà rồi mang lên cho cha mẹ ăn, ông không cho nấu ăn tại nhà ông. Ông L còn yêu cầu hoàn trả tiền mua hai huyệt mả và xây mộ cho cha mẹ 50 triệu đồng; tiền thuê xe phục vụ mai táng 350.000 đồng.
 
Với yêu cầu này, nguyên đơn càng phản ứng dữ dội. Họ cho rằng, nguồn tiền chi phí ma chay cho cha mẹ được lấy từ tiền phúng viếng, tất cả tiền phúng viếng đều do ông L quản lý và chi. Ông L thì khăng khăng, tiền phúng viếng không đủ chi phí, ông phải bỏ tiền túi lo cho cha mẹ. 5 cây cau, 1 cây mít và 1 cây dừa trên phần đất tranh chấp cũng được bị đơn ra giá 6,5 triệu đồng.
 
Lắng nghe phần tranh luận của họ, một thành viên HĐXX đã phải thốt lên: “Thua cả người dưng nước lã. Người dưng còn hiến đất làm đường, xây trường, xây nhà tình thương cho người nghèo, hà cớ gì anh em ruột lại như thế? 
 
“Phụng dưỡng cha mẹ là trách nhiệm của người làm con, các anh chị tranh giành nhau, tính toán chi li như thế không nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ nơi chín suối hay sao?”. Vị hội thẩm nhân dân hỏi bị đơn.
 
“Tụi nó tranh giành với tui từng chút, còn tình nghĩa gì nữa mà không tính toán chi li”- bị đơn dửng dưng.
 
Việc tranh chấp di sản thừa kế, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của họ đã được giải quyết bằng pháp luật rõ ràng. HĐXX bác yêu cầu chi phí ăn uống và chi phí ma chay cho cha mẹ đã khuất mà bị đơn yêu cầu vì không có cơ sở, chứng cứ.
 
Phiên tòa kết thúc. Họ lục tục kéo nhau ra về mỗi người một hướng, còn những người chứng kiến không khỏi xót xa… Cái được chỉ là phần vật chất, còn cái mất thì không thể nào cân, đong, đo, đếm được. 
 
Còn nữa
 
 Ái Kiều
 

.