Ký sự pháp đình:
Khi đồng tiền che lấp tình thân (Kỳ 1)

02:08, 23/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Họ được sinh ra, nuôi nấng từ một dòng sữa mẹ ngọt ngào, được che chở, nuôi dưỡng và giáo dục dưới một mái nhà. Vậy mà, trước tòa, họ không muốn nhìn mặt nhau cũng chỉ vì tranh giành nhau chút đất. 

TIN LIÊN QUAN
   

Kiện mẹ, anh ruột ra tòa vì tranh đất

Đầu năm 2016, Tòa án nhân dân TP. Quảng Ngãi tiến hành phiên hòa giải để các đương sự thỏa thuận về việc chia thừa kế giữa các anh em ruột. Vụ án khởi kiện từ giữa năm 2012, đã nhiều lần hòa giải nhưng bất thành. 

Phiên hòa giải hôm ấy thật đặc biệt, bị đơn tên H là mẹ và ông C là anh ruột của 3 nguyên đơn. Bà H có 7 người con. Họ giành nhau 2 thửa đất của cha mẹ. Thửa đất số 1 có diện tích hơn 500m2, nơi đây có ngôi nhà cấp 4 chính là mái nhà gắn liền với những năm tháng ấu thơ của họ. Và một thửa đất khác có diện tích 1.348m2 là đất vườn đang sản xuất.
 
Người cha đã chia đất cho các con, mỗi người nhận đất ở các thửa đất khác nhau và gần một nửa diện tích đất của thửa số 1. Người không lấy đất, được cha mẹ chia bằng tiền hoặc vàng, không ai khiếu nại gì cả.
 
Trước khi chết, được sự đồng thuận của các con, người cha đã cẩn thận lập giấy tờ giao phần đất còn lại của thửa đất số 1 và thửa đất số 2 cho ông C quản lý, sử dụng, xây nhà thờ, thờ cúng ông bà, phụng dưỡng cha mẹ già.
 
Không ngờ sự phân xử công minh của cha mẹ đã không giúp người mẹ và con trai thoát khỏi vòng kiện tụng mà nguyên đơn là con, em ruột của mình.
 
Sau khi cha mất, năm 2005, ông C dở bỏ nhà cũ, xây lại nhà mới. Nhà vừa xây móng phải ngừng thi công mãi đến nay, vì anh em ruột về cản trở.
 
“Không có chỗ ở, tui mang theo mẹ về ở tạm phía gia đình vợ, tưởng tá túc vài hôm lại đón mẹ về, ai ngờ…!”- ông C nghẹn ngào bỏ dỡ câu nói.
 
Nhìn thẩm phán và thư ký thấy họ rơi nước mắt, còn các nguyên đơn mặt mũi ráo hoảnh. Điều họ cần là chia nhau đất của cha mẹ. Tình máu mủ, ruột rà cũng vì chút đất trở nên nhạt nhẽo.
 
Các nguyên đơn yêu cầu tòa tuyên hủy giấy tờ mà cha mẹ đã lập cho ông Cảnh, vì cho rằng không hợp lệ, chia đều theo pháp luật cho các đồng thừa kế. Ông C khăng khăng là cha mẹ đã chia đều cho các anh em trước khi lập giấy tờ cho mình, có đủ chữ ký của mọi người trong gia đình và nhân chứng.
 
“Tui thống nhất theo lời trình này của anh C. Đó là ý nguyện của ông nhà tui lúc còn sống. Tui đau đớn lắm, mình dứt ruột đẻ ra, nuôi dạy khôn lớn, chắt chiu dành dụm để lại giờ chúng tố kiện bắt mình hầu tòa”- bà H buồn rầu.
 
Dứt lời, người mẹ già đã 86 tuổi ánh mắt mờ đục, chân tay run lẩy bẩy, rơm rớm nước mắt, lực bất tòng tâm. 
 
Mong muốn lớn nhất của bà lúc này là tòa phân xử rõ ràng để ông C được tiếp tục xây hoàn thiện ngôi nhà, đưa bà về phụng dưỡng những ngày xế chiều của cuộc đời và hương khói cho ông bà tổ tiên.
 
Phiên hòa giải lần này lại thất bại. Ông C dìu mẹ từng bước một xuống sân, cẩn thận ôm mẹ lên xe dắt ra khỏi cổng, bước chân đi nặng trĩu. 
 
Bất phân thắng bại
 
Sáu tháng sau, tòa đưa vụ án ra xét xử. Lần phân xử này, không muốn tiếp tục chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy, bà H làm thủ tục ủy quyền cho ông C.
 
Phiên tòa hôm nay vắng lặng, chỉ có giọng rắn rỏi của chủ tọa đọc bản án tranh chấp gần 20 trang. Chồng giấy tờ thưa kiện, chứng cứ chất cao ngất trước mặt các nguyên đơn. 
 
Đến phần tranh luận, cũng như các phiên hòa giải trước, các nguyên đơn đưa ra nhiều chứng cứ để chứng minh cho lợi ích của mình. Cô em ruột phản kháng quyết liệt: “Nếu cha mẹ cho anh tại sao lúc cha còn sống không làm thủ tục chuyển nhượng hẳn hoi?”. 
 
Bất phân thắng bại, lúc cao trào cô quát luật sư biện hộ cho bị đơn: “Luật sư đừng vì tiền mà biện hộ cho kẻ cướp”. Chủ tọa lập tức cảnh cáo và yêu cầu thư ký lập biên bản vì miệt thị, mạt sát người khác tại tòa.
 
Sau khi xem xét tất cả các chứng cứ theo quy định của pháp luật, HĐXX tuyên hủy giấy giao vườn nhà và giấy di chúc cho ông C vì chưa hợp lệ, chưa có chứng nhận của cơ quan chức năng và chấp nhận một phần yêu cầu của các nguyên đơn.
 
Thửa đất số 1, di sản thừa kế của người cha được chia đều cho 8 đồng thừa kế, nhưng mỗi người chỉ được vỏn vẹn 16,79m2. Ở thửa đất số 2, mỗi đồng thừa kế được chia 23,4m2. Phần còn lại của bà H, bà khẳng định sẽ giao lại cho ông C như ý nguyện của chồng mình lúc còn sống.
 
Sau khi nghe phán quyết của HĐXX, các nguyên đơn hậm hực. Họ nhìn ông C bằng ánh mắt sắc lạnh. Bóng chiều chập choạng, bị đơn bước ra sân trong một nỗi buồn sâu thẳm.
 
Mấy ngày sau, các nguyên đơn lại đến tòa nộp đơn kháng cáo...
 
Còn nữa
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.