Làng làm lân sư rồng vào mùa

09:07, 25/07/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng các nghệ nhân làm lân sư rồng truyền thống ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã tất bật với công việc. 

TIN LIÊN QUAN

Thu Xà, vốn là khu phố cổ sầm uất, nổi tiếng một thời, người làm đầu lân truyền thống vẫn ăn nên làm ra. Mỗi dịp Tết Trung thu, các nghệ nhân gắn bó với nghề lại càng bận rộn với việc sản xuất đầu lân, mặt nạ cung ứng cho thị trường.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm lân, sư, rồng, từ thuở nhỏ, anh Nguyễn Đức Toàn đã bắt đầu tập tành làm quen với nghề để phụ giúp bố mẹ. Hơn 30 năm nay, ngay từ tháng 4 âm lịch, gia đình anh Toàn đã thuê nhân công vót tre, chuẩn bị dụng cụ để làm đầu lân. 
 
Mỗi mùa Trung thu cả gia đình anh xuất ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm, cung cấp cho bạn hàng khắp cả tỉnh và các tỉnh, thành phố khác như Vũng Tàu, Quy Nhơn, Gia Lai, Huế. 
 
Thông thường có 3 loại đầu lân, cỡ nhỏ dành cho các cháu thiếu nhi có giá 150.000 đồng; đầu lân cỡ trung 400.000- 500.000 đồng; cỡ lớn 2 triệu đồng/con.
 
Trò chuyện với anh Toàn, chúng tôi cảm nhận được niềm say mê, tự hào về cái nghề này. Cũng như bao nghề truyền thống khác, nghề làm đầu lân là nghề mang tính thời vụ. Những người giữ nghề đối mặt với thách thức cuộc sống mưu sinh.
 
 
Hơn 30 năm, anh Đoàn gắn bó với nghề làm lân sư rồng.
Hơn 30 năm, anh Toàn gắn bó với nghề làm lân sư rồng.
 
Để làm ra một con lân, đòi hỏi người nghệ nhân phải mất rất nhiều thời gian, tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn. Mỗi người phụ trách một công đoạn.
 
Hoàn thiện một chiếc đầu lân phải mất 3 ngày, với 6 công đoạn: dán giấy vào khuôn xi măng đúc sẵn; phơi khô; dán giấy thiếc, vải kim sa, sơn, vải nhung, sơn dạ quang; trang trí hoa văn, dán lông vũ và viền màu sắc để tạo điểm nhấn cho con lân. Công đoạn cuối cùng là trang trí nội thất, đèn led giúp con lân bắt mắt hơn.
 
Theo anh Toàn, sở dĩ sản phẩm đầu lân truyền thống được ưa chuộng, không “lép vế” trước hàng sản xuất theo dây chuyền công nghiệp, bởi mỗi con lân đều có cái hồn, vẻ đẹp khác nhau, đặc biệt là đôi mắt.  
Anh Toàn chia sẻ: Thị hiếu của người chơi lân ngày càng cao, đồng nghĩa với việc người nghệ nhân phải thích ứng với sự phát triển của xã hội. Sản phẩm đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ hơn, nếu như ngày xưa chuộng phun sơn thì bây giờ phải trang trí vải nhung, thậm chí là lông cừu.
 
Thông thường, để làm lân sư tử và rồng theo đơn đặt hàng, họ phải đặt hàng nguyên bộ lông cừu từ các chủ hàng tận tỉnh Bình Thuận. Tùy theo kích cỡ mà giá của đầu lân sử tử và rồng có giá từ 5 triệu đến vài chục triệu đồng.
 
Mỗi mùa Trung thu đi qua, trừ chi phí, mỗi gia đình thu về từ vài chục triệu đến cả 100 triệu đồng. Nghề làm đầu lân cũng giúp các em học sinh hoàn cảnh khó khăn có khoản thu nhập không nhỏ trước khi bước vào năm học mới.
 
 
 
Công đoạn đầu tiên là dán giấy vào khuôn đúc sẵn.
Công đoạn đầu tiên là dán giấy vào khuôn đúc sẵn.
 
 
 
... mang phơi nắng cả nửa ngày dưới trời nắng.
... mang phơi nắng cả nửa ngày dưới trời nắng.

 

Trang trí đường viền, hoa văn.
Trang trí đường viền, hoa văn.
 

Sau mỗi công đoạn dán giấy, hoa văn phải mang ra phơi nắng thật khô.

 

Một con lân sắp hoàn thiện.
Một con lân sắp hoàn thiện.

 

Thời gian gần đây, khách hàng ưa chuộng gắn đèn led vào mắt lân, giúp con lân trông lung linh hơn.
Thời gian gần đây, khách hàng ưa chuộng gắn đèn led vào mắt lân, giúp con lân trông lung linh hơn.
 
 
Thực hiện: Ái Kiều
 

.