Con bò và chai rượu

06:07, 30/07/2016
.

 


(Baoquangngai.vn)-"Một chai rượu trị giá 10 nghìn bà con cất trong tủ, một con bò giá 15 triệu đồng bà con lại thả rông”. Ông Hồ Bảo Xuyên- Chủ tịch UBND xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà, phát biểu như vậy tại một buổi lễ trao tặng bò giống cho hộ nghèo của tập đoàn Viettel.

 

Người dân phấn khởi nhận bò hỗ trợ của Viettel. Ảnh: Hiền Linh.
Người dân phấn khởi nhận bò hỗ trợ của Viettel. Ảnh: Hiền Linh.


Ví von của ông chủ tịch xã đã phác họa ra một bức tranh về cuộc sống của người Cor ở Tây Trà. Khi mà rượu, chất men chỉ mang lại cho họ chút hưng phấn phút chốc trước mắt thì được cất vào tủ; còn con bò, một tài sản lớn, đầu tư dài hạn cho tương lai, thì lại thả rông. Tất nhiên, việc thả rông ở đây đồng nghĩa với nhiều hệ lụy: bò bị trượt chân té xuống đèo, bị trộm, dễ lây dịch bệnh, đói rét trong mùa mưa bão...

Từ năm 2014 đến nay, chương trình trao tặng bò giống của tập đoàn Viettel đã hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo ở nhiều địa phương trên cả nước. Một câu hỏi mà chính nhà tài trợ quan tâm, là số bò ấy được nuôi nấng như thế nào, hiệu quả ra sao? 

Trao tặng bò là việc làm mang ý nghĩa thiết thực, tạo cần câu cơm cho đồng bào có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có điều kiện để thoát nghèo. Nhưng thay đổi tập quán chăn nuôi để đạt hiệu quả cao, thay đổi nhận thức của đồng bào là một bài toán khó. 

Chuyện về những tài sản nhanh chóng tiêu tan khi người đồng bào không biết cách sử dụng đã có rất nhiều. Như chuyện về người Cadong ở Sơn Tây, người Cơ Tu (Quảng Nam) đã xây những ngôi nhà khang trang như biệt thự từ tiền đền bù thủy điện chẳng hạn. Nhưng khi ăn tiêu hết số tiền được đền bù nọ, những ngôi nhà trở thành cái vỏ không hồn, còn chủ nhân của nó lại quay về với nương rẫy. Hệ lụy không dừng lại ở đó, khi sức đề kháng văn hoá của người dân tộc thiểu số vùng cao yếu đi trước những thú vui nặng tính học đòi từ miền xuôi tràn tới.

Giải pháp nào cho những câu chuyện như thế này? Sẽ dễ dàng nếu chọn thái độ buông xuôi lấy "nhận thức của đồng bào" ra biện hộ. Nhưng ông Đỗ Đình Phương- Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà thì nhất mực bảo rằng phải tuyên truyền, giúp đỡ bà con. Ông Phó chủ tịch huyện khoe nhà ông có 5 con bò, được gầy dựng từ một con bò cái giống. Sống cùng đồng bào Cor, ông Phương hướng dẫn cho bà con trồng cỏ ở những khu đất trống quanh nhà. Tại lễ trao tặng bò, ông yêu cầu cán bộ thú y chăm sóc đàn bò tránh dịch bệnh, khuyên bà con phải có người chăn dắt khi cho bò “ra nương” ăn cỏ.

Nhận thức là thứ không thể thay đổi trong một sớm một chiều, nhưng nó sẽ thay đổi trong một quá trình dài. Trong câu chuyện này, sự thay đổi nhận thức của người đồng bào cần cái tâm của người lãnh đạo, như cách nói đầy tâm huyết của ông Phương. Nếu cái tâm của những người cán bộ được đặt đúng chỗ thì những con bò, những đồng tiền đền bù có thể sẽ thành một cơ ngơi, trước khi biến thành những chai rượu cất trong tủ.

Hiền Linh

 


.