Bán vé số để nuôi ước mơ

02:07, 12/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày hè, trên những cung đường nhộn nhịp ở thành phố, những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn rong ruổi bán vé số để thực hiện ước mơ cắp sách đến trường.

Những đứa trẻ không có ngày hè

Từ lúc nghỉ hè đến giờ, em Ngô Thị Hạnh chưa có một ngày nghỉ ngơi, sáng nào em cũng đạp xe gần chục cây số từ xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) xuống TP.Quảng Ngãi từ rất sớm để bán vé số. Mỗi ngày Hạnh bán được khoảng 70 tờ vé số. Đưa tay lau vội mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt, Hạnh chia sẻ: “Năm nay em lên lớp 8. Nhà khó khăn quá nên em cố gắng đi bán vé số để phụ giúp mẹ".

Không chỉ có bé Hạnh, đối với nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mùa hè lại càng thêm vất vả, bởi gánh nặng mưu sinh. Kỳ nghỉ bắt đầu, các em lại theo cha, mẹ đi khắp các con đường, ngõ hẻm để bán từng tờ vé số. Mỗi tờ vé số, nhận từ đại lý có giá từ 8.800 đồng đến 8.900 đồng.

Sau khi nhận vé, mỗi em rẽ đi một hướng. Con đường vất vả mưu sinh của những đứa trẻ con nhà nghèo lại chính là con đường để các em thực hiện ước mơ trẻ thơ, đó là được cắp sách đến trường như chúng bạn cùng trang lứa.

 

 Ngày hè, nhiều trẻ em phải đi bán vé số để có thể
Ngày hè, nhiều trẻ em phải đi bán vé số để có thể "nuôi" ước mơ đến trường.


Trò chuyện với cậu bé Mai Văn Minh, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), chúng tôi nhận thấy suy nghĩ của cậu bé già hơn rất nhiều so với tuổi, có lẽ bởi cháu bé chăm lo cuộc sống từ rất sớm mà lẽ ra đó là công việc của người lớn. Minh cho biết, cứ vào mỗi dịp hè, em lại cùng cha đi bán vé số. Cha của Minh bị cụt 2 chân.

Thường ngày, anh Trường (cha của Minh) đi bán vé số một mình để có thu nhập cho gia đình, do bị khuyết tật nên việc di chuyển rất khó khăn. Đến kỳ nghỉ hè, Minh phụ bán vé số cùng với cha. Hai cha con cùng đi bán, đến từng hàng quán cha dừng xe phía trước, Minh vào mời khách mua vé số. Ngày thường, anh Trường bán được khoảng 100 tờ vé số, kiếm lời khoảng 120.000 đồng, nhưng ngày hè nhờ có Minh nên thu nhập được nhiều hơn.

Với cô bé Ánh Hồng (12 tuổi, ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) thì quanh năm cứ ngoài giờ đi học, là đi bán vé số. Học buổi chiều, chị em Ánh Hồng bán vào buổi sáng và ngược lại. Theo chị Ngãi, mẹ của Ánh Hồng, nhiều lúc thấy con vất vả, nhưng vì kinh tế gia đình quá khó khăn đành cho các con đi bán vé số.

Nuôi ước mơ đến trường

Những đứa trẻ như Hạnh, Minh, Ánh Hồng... không phải đi bán vé số chỉ để phụ giúp gia đình, mà còn để thực hiện ước mơ được tiếp tục theo đuổi việc học. Đối với Hạnh, tiền lời mỗi ngày em đưa cho mẹ để phụ lo bữa ăn hằng ngày cho gia đình, vừa để dành mua sách vở.

Còn với Minh thì luôn căn dặn bố nhớ để dành tiền mua sách vở, quần áo mới và đóng học phí cho con vào đầu năm học. "Để con cái phải vất vả, thiệt thòi tôi cảm thấy rất buồn, rất thương con, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn...", anh Trường bùi ngùi nói.

Không hề cảm thấy buồn hay tủi thân vì ngày hè không được nghỉ ngơi, vui chơi như chúng bạn, mà ngược lại những đứa trẻ con nhà nghèo lại cảm thấy vui hơn khi giúp ích được cho gia đình, có tiền để nuôi ước mơ đến trường của chính mình.

Với các em dẫu đó là niềm vui, nghị lực vươn lên trong cuộc sống của các em rất đáng trân trọng, song các em còn quá nhỏ để phải lo đến chuyện cơm, áo, gạo, tiền, gánh trên vai trách nhiệm của người lớn. Các ngành, các cấp cần quan tâm hơn nữa đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em được tận hưởng niềm vui của ngày hè và có điều kiện học tập tốt hơn để chắp cánh ước mơ trẻ thơ.


Bài, ảnh: VŨ YẾN


 


.