"Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta"

08:06, 05/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chủ đề của Ngày môi trường thế giới (5.6) năm nay. Thông điệp gửi đến cộng đồng này là thay đổi các hành vi sống theo hướng thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của trái đất.

TIN LIÊN QUAN

Từ gom rác, trồng cây...

“Thu gom rác rất nhọc, tốn công lại độc hại mà tiền công, chẳng đáng là bao. Nhưng, nếu ai cũng nghĩ thế thì làm sao nhà cửa, ruộng vườn, đường sá sạch sẽ được”, ông Nguyễn Hòa Phương - Tổ trưởng Tổ thu gom rác xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) bộc bạch. Với 13 thành viên, chia thành 8 tổ nhỏ, tỏa về các thôn trong xã để thu gom rác thải theo định kỳ, mỗi tháng 3 lần.

Trồng cây xanh góp phần bảo vệ sự sống cho con người.
Trồng cây xanh góp phần bảo vệ sự sống cho con người.


Nhờ vậy, môi trường xã Hành Nhân sạch sẽ hơn. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân vì thế cũng dần thay đổi theo hướng tích cực, với hơn 92% tham gia đóng phí môi trường. Song, để có được sự đồng thuận, các thành viên của Tổ thu gom rác đã phải vất vả trong việc tuyên truyền, vận động người dân; rồi lặng thầm đến từng nhà thu gom rác... Thậm chí, với những hộ dân phản ứng, không nộp phí môi trường, nhưng các thành viên trong tổ vẫn lặng thầm gom nhặt rác giúp. Với mức thu phí thấp (7.000 – 10.000 đồng/tháng), cộng với nhiều hộ dân chưa tham gia, nên thu không đủ chi. Thu nhập của các tổ viên chưa đến 1 triệu đồng/người/tháng, song không vì thế mà tổ viên e ngại, từ bỏ công việc nhọc nhằn này...

Cùng với thu gom rác thải, việc trồng cây xanh cũng nhận được sự hưởng ứng và tích cực tham gia của các tổ chức, đơn vị và người dân. Vì vậy, thời gian qua, phong trào trồng cây xanh diễn ra rầm rộ ở tất cả các ngành, địa phương. Đặc biệt là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. “Cây xanh sẽ làm dịu cái nắng, giảm khói, bớt mùi hôi nên sẽ giúp con người khỏe hơn, làm việc hiệu quả hơn. Đó là lý do vì sao công nhân chúng tôi rất tích cực trồng và chăm sóc cây xanh xung quanh nhà máy”, chị Hoàng Thị Ân, công nhân Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn chia sẻ.

...đến bảo tồn đa dạng sinh học

Năm 2008, các cá thể rùa Trung Bộ, rùa cổ sọc, rùa núi vàng và rùa hộp trán vàng lần lượt được ghi nhận tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Đến cuối năm 2012, trước nguy cơ săn bắt kiểu tận diệt của người dân, Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á đã chọn Quảng Ngãi thực hiện Đề án phát triển Trung tâm cứu hộ (TAC) và Khu bảo vệ sinh cảnh loài (SHCA) nhằm giữ gìn và trả lại môi trường sống hoang dã cho rùa Trung Bộ tại chính “ngôi nhà” của nó.

Tuy nhiên đã hơn 4 năm trôi qua, nhưng Đề án TAC và SHCA cũng vẫn là... đề án!. Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, một trong những nguyên nhân khiến Đề án TAC và SHCA dậm chân tại chỗ là vì không đủ kinh phí, do hoạt động với mục đích phi lợi nhuận. Trong khi Đề án có diện tích đất sử dụng ban đầu lên đến 50 ha, nhưng kinh phí thực hiện chỉ vỏn vẹn hơn 2,5 tỷ đồng (riêng chi phí dùng để thuê đất hoặc hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi là 1,1 tỷ đồng). Vì vậy, dù Đề án hứa hẹn sẽ tái tạo vùng sinh thái, bảo tồn loài, gìn giữ môi trường cũng như giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng, song nó vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao từ phía cộng đồng.

 Trái với cảnh bơ vơ của rùa, mới đây, một cá thể voọc chà vá chân xám 3 tuần tuổi, nặng 400g đã may mắn được người dân cứu, sau đó Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ bàn giao cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đây là cá thể voọc chà vá chân xám thứ 3 được Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ bàn giao cho đơn vị này trong năm 2015. Có được kết quả ấn tượng này, phải kể đến ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân. Ví dụ như anh Nguyễn Quốc Việt ở xã Ba Vì (Ba Tơ). Sau khi bắt được cá thể voọc chà vá chân xám đã mang về nhà chăm sóc cẩn thận, sau đó tự nguyện giao nộp cho Hạt Kiểm lâm Ba Tơ. Hành động này đáng được tuyên dương, nhất là khi "trào lưu" tiêu thụ động vật hoang dã đang ở mức báo động như hiện nay.

Bảo vệ môi trường là việc lớn của cả cộng đồng. Song, chỉ cần mỗi người làm một việc nhỏ như nhặt rác bỏ vào nơi quy định, trồng cây, không săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, áp dụng các biện pháp đánh bắt thủy sản thân thiện... thì môi trường cũng sẽ xanh – sạch – đẹp và tốt hơn.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.