Hoạt động bổ trợ tư pháp: Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

08:06, 05/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phòng Bổ trợ Tư pháp là phòng chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu cho lãnh đạo Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước trên 13 lĩnh vực; trong đó, có hoạt động công chứng và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp (DN). Từ những cách làm hiệu quả, sáng tạo của phòng, công tác công chứng và hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả thiết thực.
 
Đáp ứng nhu cầu công chứng

 Theo thống kê của Phòng Bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp), tỉnh ta hiện có 1 Phòng Công chứng trực thuộc Sở Tư pháp (Phòng Công chứng số 1) và 7 Văn phòng Công chứng (VPCC), hay còn gọi là công chứng tư, với 22 công chứng viên đã được bổ nhiệm. Bên cạnh phòng công chứng nhà nước, sự ra đời các VPCC đã làm cho hoạt động công chứng ngày càng chuyên nghiệp, kịp thời, thuận  tiện cho người dân, tổ chức, DN.

Trong quá trình hoạt động, các VPCC đã góp phần giảm khối lượng công việc của bộ phận hành chính tư pháp, đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả của hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh.

Trợ giúp pháp lý cho DN hiệu quả sẽ góp phần thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.  Trong ảnh: Một ca sản xuất của Công ty Giày Rieker Việt Nam (KCN Tịnh Phong, Quảng Ngãi).
Trợ giúp pháp lý cho DN hiệu quả sẽ góp phần thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong ảnh: Một ca sản xuất của Công ty Giày Rieker Việt Nam (KCN Tịnh Phong, Quảng Ngãi).


 Việc ra đời các VPCC tư buộc Phòng Công chứng số 1 phải không ngừng thay đổi lề lối làm việc, nhằm mang đến sự tin cậy, hài lòng của cá nhân, tổ chức, DN. Phòng Công chứng số 1 đã tiên phong trong việc ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc.

Đây được xem là bước đột phá, nâng cao năng lực nghiệp vụ và thay đổi tư duy, cách quản lý công việc của các cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực công chứng. Hiện nay, phòng đang tiến tới phục vụ người dân có nhu cầu công chứng qua mạng và dần xóa bỏ tâm lý e ngại của khách hàng do thủ tục rườm rà, mất thời gian khi đến với phòng công chứng.

 Ông Nguyễn Cao Nguyên - Trưởng Phòng Bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp), cho biết: Năm 2015, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng cho trên 16 nghìn hợp đồng, giao dịch các loại, với số phí thu được hơn 5,8 tỷ đồng. Việc thành lập các VPCC  đã làm giảm tải lượng công việc tại các Phòng công chứng nhà nước.

Từ chỗ quá tải, các tổ chức hành nghề công chứng đã có sự cạnh tranh để tìm kiếm công việc, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển 17 tổ chức hành nghề công chứng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Một trong những mục tiêu mà tỉnh hướng đến là tạo điều kiện cho DN tiếp cận, đóng góp ý kiến và sử dụng thông tin pháp luật đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước và giải đáp những vấn đề pháp luật mà DN quan tâm nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN phù hợp với các quy định của pháp luật; giúp DN kinh doanh có hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho DN

 Phòng Bổ trợ Tư pháp đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Ban điều hành hỗ trợ pháp lý cho DN tỉnh và thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN theo các nghị định của Chính phủ và quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh.

Nhờ thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý cho DN đã góp phần xây dựng mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa UBND tỉnh với các DN trên địa bàn tỉnh; giúp cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác pháp chế trong DN nắm vững các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh để quản lý, điều hành DN đạt hiệu quả. Qua đó góp phần thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015. Trên cơ sở đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN được Sở Tư pháp đẩy mạnh thực hiện theo nhiều cách, thể hiện tính sáng tạo trong việc triển khai, nên được cộng đồng DN rất đồng tình, ủng hộ và được lãnh đạo tỉnh, nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh đánh giá cao.

Giai đoạn này, Sở Tư pháp đã hỗ trợ trực tiếp cho 4 doanh nghiệp; biên soạn và phát hành 12 tập hỏi đáp pháp luật, 16 đề cương tài liệu liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong các lĩnh vực đầu tư - xây dựng, lao động - việc làm, tài chính, đất đai, hợp đồng, giao dịch bảo đảm, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa với 17.200 cuốn sách, 9.600 tập tài liệu cấp phát miễn phí đến các DN.

 Phát huy hiệu quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.