Hạ tầng giao thông: Động lực cho miền núi

10:06, 18/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rất nhiều tuyến đường, cây cầu xây dựng xong đưa vào sử dụng đã mang lại một diện mạo mới và tạo sức bật quan trọng trong thực hiện công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện vùng cao của tỉnh.
 

Sức bật mới

Cách đây khoảng 10 năm, hạ tầng giao thông (HTGT)  yếu kém trở thành rào cản đối với mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là công tác giảm nghèo ở 6 huyện vùng cao của tỉnh. Trước thực trạng này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định, việc đầu tư, phát triển HTGT ở  6 huyện miền núi là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2010 - 2015.

Từ chủ trương lớn đó, hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và huy động sức dân đã được các địa phương vận dụng. Để rồi, sau 5 năm hàng ngàn ki-lô-mét đường giao thông miền núi từ đường tỉnh, huyện đến đường xã, đường liên thôn, xóm đã được đầu tư bê tông, nhựa hóa kiên cố. Theo đại diện Sở GTVT, trong giai đoạn 2010- 2015, tổng vốn đầu tư cho kết cấu HTGT trên địa bàn khoảng 12.970 tỷ đồng. Trong đó, vốn dành cho phát triển HTGT miền núi chiếm khoảng 1/4.
 

 

Trẻ em xã Ba Xa (Ba Tơ) an tâm đến trường khi đã có cầu treo kiên cố.
Trẻ em xã Ba Xa (Ba Tơ) an tâm đến trường khi đã có cầu treo kiên cố.

Con đường qua xã Sơn Tinh (Sơn Tây) từ sau ngày tách huyện đến nay, người dân phải đi lại trên con đường đất ĐH83 nhỏ hẹp. Từ nguồn ngân sách, huyện Sơn Tây đã đầu tư nhựa hóa tuyến đường với chiều dài 31km. Từ ngày có con đường mới, giao thương thuận lợi, diện mạo của Sơn Tinh đã thay đổi rõ rệt.  

Mới đây, Sở GTVT đầu tư giai đoạn 1 tuyến đường liên huyện Sơn Tinh - Sơn Thượng. Con đường mới đã rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và đồng bằng. Từ trung tâm xã Sơn Tinh xuôi về xã Sơn Thượng, xuất hiện hình ảnh người dân đi xe ô tô tải đến từng chân rẫy, từng ngõ xóm để thu keo, lồ ô. Phía xa, cây cầu Nước Kỉa bắc qua suối Nước Kỉa dài hơn 40m đã nối bờ vui.

“Điều làm chúng tôi sung sướng nhất đó là cây cầu Nước Kỉa đã xóa đi cảnh “ngăn sông cấm chợ” bấy lâu nay. Bây giờ không còn cảnh cả làng kéo nhau ra suối... tìm người bị nước cuốn trôi khi lội bộ qua suối nữa”, ông Đinh Văn Phiên, xóm Ông Viết nói.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho rằng, việc đầu tư vào HTGT đã mở ra bước ngoặt mới trong phát triển kinh tế - xã hội, là động lực chính để khai thác nội lực của địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến đường đến thôn, xóm xa nhất để đảm bảo cho người dân vận chuyển hàng hóa cũng như đảm bảo an sinh xã hội.

Cần đầu tư nhiều hơn cho HTGT miền núi

Hạ tầng giao thông là “mạch máu của nền kinh tế”. Vì vậy, HTGT luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH phát triển, đảm bảo lưu thông hàng hoá, nối liền thị trường nông thôn - miền núi với thị trường khu vực và lân cận... Ngoài ra, HTGT đồng bộ sẽ tạo điều kiện khai thác tài nguyên thiên nhiên là thế mạnh của miền núi như hình thành các nông, lâm trường; thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp, đô thị; thu hút dân cư từ đồng bằng lên miền núi lập nghiệp; thúc đẩy sự phân công lao động, hình thành cơ cấu kinh tế miền núi... Theo đó, các hoạt động dịch vụ như văn hóa, y tế, giáo dục cũng có điều kiện phát triển.

Theo ông Đinh Quang Ven- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, dù HTGT của huyện đã có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng vẫn chưa đủ để đưa Sơn Tây bứt phá. Lý giải điều này, ông Ven cho rằng, tuyến đường Sơn Mùa - Sơn Liên kết nối với huyện Konlong (Kon Tum) đã nhựa hóa đoạn Sơn Mùa - Sơn Liên, còn đoạn Sơn Liên đi Kon Tum dài khoảng 8km chỉ là đường đất, độ dốc lớn, mùa mưa không thể đi lại do sạt lở thường xuyên. Trong khi đây là tuyến huyết mạch trong giao thương hàng hóa của người dân hai tỉnh.

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng lưu ý tỉnh, ngoài việc xây dựng HTGT ở đồng bằng, cần quan tâm đầu tư cho HTGT nông thôn, miền núi. Bởi một khi giao thông thông suốt sẽ giúp cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo sớm thành công.
 
Bài, ảnh: NGỌC QUANG

 

.