Đạo đức người làm báo trong thời đại bùng nổ thông tin

01:06, 21/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đạo đức, quan điểm làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn, quý giá. Những người làm báo có vinh dự và trách nhiệm lớn là được kế thừa và phát triển di sản báo chí của Người. Theo đó, báo chí phải góp phần quan trọng vào việc giáo dục, tuyên truyền, cổ động, định hướng dư luận quần chúng.

TIN LIÊN QUAN


Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng, vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình’’. Đại hội lần thứ ba của Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng’’.

Như vậy, từ yêu cầu về phẩm chất chính trị, Người đã đề cập đến một yêu cầu quan trọng nữa, đó là đạo đức cách mạng của người làm báo. Người phê phán chủ nghĩa cá nhân, một biểu hiện đi ngược lại đạo đức cách mạng “Có người chỉ muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài báo cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra, họ không hiểu rằng: Làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang’’.

Ôn lại những lời dạy của Bác Hồ về nhiệm vụ của báo chí để thấy rằng, muốn tu thân tốt phải gắn với việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh cách mạng; thông qua các phong trào thi đua yêu nước; coi trọng học tập và thực hành; nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, tức là không chỉ tự mình sửa chữa mà phải tích cực giúp người khác sửa chữa; phải có quan điểm quần chúng, phải dựa vào dân, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, người làm báo có điều kiện và công cụ hành nghề tốt hơn thế hệ trước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng sinh ra những tiêu cực trong nghề báo. Vì cạnh tranh thông tin, vì mục đích kiếm tiền, có không ít nhà báo, tờ báo đã coi nhẹ vấn đề đạo đức nghề nghiệp, quên đi trách nhiệm thực sự của người làm báo, dẫn đến vi phạm “đạo đức trong khai thác và xử lý thông tin”, cung cấp thông tin cho độc giả sai sự thật, hoặc phiến diện, một chiều... Chính những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức của nhà báo trong quá trình tác nghiệp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nghề báo. Không ít nhà báo mang trong mình khả năng "xào nấu thông tin" nên lười đi, viết những bài vô thưởng vô phạt, thiếu trung thực... gây ảnh hưởng đến uy tín của giới báo chí nói chung và bản thân tờ báo nói riêng.

Có thể nói, xã hội càng phát triển, người dân càng muốn được tiếp nhận thông tin nhiều hơn. Thế nhưng, để có thông tin đúng, trúng, hay người làm báo phải hiểu giá trị của thông tin mà mình đưa đến cho độc giả, phải có lòng tự trọng với nghề. Giữ được lòng tự trọng với nghề cũng chính là giữ cho mình sống lành mạnh, giữ phẩm chất trong sáng để không sa ngã. Bất luận vì lý do gì, nếu không giữ cho mình nhiệt huyết, niềm đam mê thực sự với nghề, người làm báo cũng không tránh khỏi những sai sót, cũng như khuyết điểm.


PV
 


.