Nỗi lo bùng phát dịch vì thiếu vắc-xin

09:05, 18/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không còn được Chương trình khống chế dịch bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016 – 2020 hỗ trợ vắc-xin, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh lo lắng sẽ bùng phát dịch bệnh gia súc gia cầm (GSGC) như đã từng xảy ra vào năm 2012.

Bài học cũ…

Năm 2012, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra “đại dịch cúm gia cầm H5N1”, phải công bố dịch. Người chăn nuôi vì thế cũng lao đao phần vì gia cầm nhiễm bệnh bị chết, tiêu hủy; phần do hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm bị “đóng băng” một tháng. Đã thế, sau khi dịch bệnh đã được khống chế, người tiêu dùng vẫn “nói không” với thịt gia cầm khiến thị trường nguội lạnh suốt thời gian dài. Thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.

Năm 2012, do thiếu vắc- xin, Quảng Ngãi xảy ra đại dịch cúm gia cầm. Chính quyền và ngành chuyên môn lo lắng sẽ tái diễn tình trạng trên với đàn gia súc do thiếu vắc xin.
Năm 2012, do thiếu vắc- xin, Quảng Ngãi xảy ra đại dịch cúm gia cầm. Chính quyền và ngành chuyên môn lo lắng sẽ tái diễn tình trạng trên với đàn gia súc do thiếu vắc xin.


Sau “đại dịch”, ngành chức năng đã phân tích và xác định nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do đàn gia cầm không được tiêm phòng vắc xin. Lý do, từ năm 2012, Trung ương không hỗ trợ vắc-xin cúm gia cầm, mà giao ngân sách địa phương thực hiện. Do bị động nên UBND tỉnh chưa bố trí được kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng, khiến đại dịch bùng phát. Và, từ năm 2013 đến nay, hằng năm, UBND tỉnh chủ động bố trí kinh phí mua 2 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm để tiêm phòng cho đàn thủy cầm trong toàn tỉnh. Nhờ vậy, dịch cúm gia cầm tuy có xảy ra nhưng quy mô nhỏ nên được dập tắt kịp thời, không lây lan ra diện rộng.

Trước cúm gia cầm, Quảng Ngãi cũng là điểm nóng của bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc vì không có vắc-xin. Nhận thấy thiệt hại của bệnh LMLM gây ra cho nền kinh tế quá lớn, từ năm 2006, Trung ương thực hiện chương trình khống chế dịch LMLM giai đoạn 2006 – 2015, bằng cách hỗ trợ 50% vắc-xin cùng nguồn của tỉnh để tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia súc của 8 huyện miền núi và dọc Quốc lộ 1. Nhờ vậy, dịch bệnh LMLM được kiểm soát.
 

 “Tiêm phòng vắc xin là việc nhỏ, nhưng hiệu quả mang lại cho xã hội là vô cùng lớn. Vì nếu đại dịch bùng phát, cả ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng, thiệt hại không thể tính bằng tiền”.
Ông  Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khẳng định.

... lo ngại mới

Trong khi vắc-xin cúm gia cầm đã ổn định thì vắc-xin phòng bệnh LMLM lại thiếu hụt. Việc tiêm phòng vắc-xin LMLM cho đàn gia súc cũng không còn đại trà như trước, mà chỉ ưu tiên cho các khu vực nguy cơ cao như vùng có ổ dịch cũ hay dọc Quốc lộ 1.

Xảy ra tình trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y là do năm 2016, các huyện miền núi và dọc Quốc lộ 1 của tỉnh Quảng Ngãi không còn được Trung ương hỗ trợ 50% vắc-xin LMLM. Trong khi đó, kế hoạch phòng chống dịch bệnh GSGC được UBND tỉnh phê duyệt từ cuối năm 2015, nhưng quyết định dừng hỗ trợ vắc- xin của Trung ương lại ban hành vào tháng 4.2016. Vì vậy hiện giờ, UBND tỉnh chưa bố trí khoản kinh phí 7 tỷ đồng để mua vắc-xin phòng bệnh LMLM cho đàn gia súc. Ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương lo ngại với thời tiết bất thường như hiện nay, nguy cơ bùng phát và lây lan  bệnh ở GSGC ra diện rộng là rất lớn.

Trái ngược với sự phụ thuộc vào tiền ngân sách hỗ trợ cung ứng vắc-xin cúm gia cầm và LMLM, các loại vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu bò, phó thương hàn dịch tả, dịch tả vịt, dịch tả lợn... đều do người dân đảm nhận (trừ một số địa phương miền núi được huyện hỗ trợ). Điều này cho thấy, người dân đã nhận thấy lợi ích của việc tiêm phòng dịch bệnh. Bởi, “bỏ ra 5.000 đồng để bảo vệ tính mạng con heo có giá bán vài triệu đồng là quá rẻ”, ông Nguyễn Dùm, thôn An Thổ, xã Phổ An (Đức Phổ) chia sẻ.

Bên cạnh đó, hiện nay việc phân phối, cung ứng các loại vắc-xin, thuốc phòng chống dịch bệnh GSGC cũng không còn bó buộc ở các đơn vị nhà nước, mà đã dần mở rộng ở khối cửa hàng, cơ sở tư nhân nên người dân thuận lợi tìm mua. Do đó, theo ông Nguyễn Sự - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa thì: “Cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng cho đàn GSGC thay vì trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Điều này vừa giảm gánh nặng cho ngân sách, vừa giúp ngành chức năng chủ động trong công tác phòng chống và ứng phó với dịch bệnh GSGC”.  

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.