Nghĩa Chánh đi đầu trong xây dựng các thiết chế văn hóa

04:05, 15/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước đây, phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) là địa phương có điểm xuất phát khá thấp trong các tiêu chí văn hóa của thành phố. Nhưng hiện nay, phường lại đi đầu trong phong trào này.

Phủ kín điểm sinh hoạt văn hóa

Bà Trần Thị Liễu - Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết: Ngày trước, tìm nơi hội họp khó lắm, nào là mượn nhà dân, trường học để họp. Vì thế, việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với dân không được thuận lợi. Nhân dân "đỏ mắt" tìm nơi để sinh hoạt VHVN, TDTT, nên đời sống tinh thần của người dân còn thiếu thốn. Phường có 19 tổ dân phố, nhưng đến năm 2011, chỉ có 3 tổ xây dựng được điểm sinh hoạt văn hóa. Nguyên nhân do không có mặt bằng, vì đa phần đất nằm trong vùng quy hoạch công trình công cộng và khu đô thị...

 

Điểm sinh hoạt văn hóa Tổ 9, phường Nghĩa Chánh (TPQN) luôn được trang bị sách, báo, tài liệu phục vụ nhân dân và học sinh.
Điểm sinh hoạt văn hóa Tổ 9, phường Nghĩa Chánh (TPQN) luôn được trang bị sách, báo, tài liệu phục vụ nhân dân và học sinh.


 Thực hiện Đề án xây dựng các thiết chế VHTT-TT, giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu có 100% tổ có điểm sinh hoạt văn hóa, phường đã lần lượt gỡ từng “nút” thắt. Theo kế hoạch, trong năm 2011 chỉ xây dựng 1 điểm sinh hoạt văn hóa, nhưng phường đã mạnh dạn khảo sát và đưa vào quy hoạch, xây dựng các điểm tiếp theo và chuẩn bị nguồn vốn.  Theo đó, thành phố hỗ trợ mỗi điểm 220 triệu đồng, ngân sách phường 50 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp.
 

Nghĩa Chánh là phường điển hình của thành phố trong phong trào xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa, tiến đến thực hiện đầy đủ các thiết chế văn hóa cơ sở. Thành phố đang khuyến khích các phường, xã còn lại  thực hiện tốt như phường Nghĩa Chánh để làm nền tảng thực hiện các thiết chế văn hóa của thành phố trong thời gian đến.
Ông NGUYỄN THANH HÙNG – Trưởng Phòng VHTT TP. Quảng Ngãi

Để tạo sự đồng thuận trong dân, phường và các tổ dân phố đã họp dân công khai nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp, quy mô công trình... Đồng thời tranh thủ vận động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... Đối với khoản đóng góp của dân, những hộ nghèo, cận nghèo đều được miễn giảm, nên người dân không thấy nặng nề trong việc đóng góp các nguồn quỹ. Vì thế mà đến nay, phường có 100% tổ dân phố có điểm nhà sinh hoạt văn hóa. Mỗi điểm có diện tích từ 100 – 300m2, có quy mô khang trang. Tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng, trong đó, số tiền vận động gần 2,6 tỷ đồng, còn lại ngân sách của thành phố và phường.

Đa dạng các hình thức hoạt động

Xây dựng các điểm văn hóa khang trang, không chỉ góp phần tạo nên diện mạo khang trang cho các Tổ dân phố mà giúp người dân có nơi sinh hoạt, gắn kết tình cảm xích lại gần nhau hơn, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Điểm sinh hoạt văn hóa tổ 9 là vậy, tuy nằm sâu trong hẻm nhưng mỗi khi chiều xuống có rất đông người dân tham gia TDTT. Mỗi khi hè đến, phòng họp trở thành lớp học tình thương của những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Phan Văn Vui – Tổ phó Tổ dân phố số 9, cho biết: Việc mở lớp học này không chỉ nhằm mục đích lấp lỗ hổng kiến thức cho các em, mà còn là nơi tập hợp các cháu đến vui chơi, sinh hoạt TDTT, hạn chế chơi bời lêu lổng mỗi khi hè về. Nhiều em tham gia lớp học này đã trở thành con ngoan, trò giỏi. Các thầy cô và tổ dân phố còn đi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ sách, báo để phục vụ cho dân địa phương và học sinh... Bà Trần Thị Liễu – Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Chánh cho biết thêm, đến nay 19 điểm sinh hoạt văn hóa ở phường đều hoạt động hiệu quả. Bên cạnh phục vụ hội họp, nhiều điểm còn là nơi tổ chức các cuộc vui chơi giải trí cho nhân dân...


Bài, ảnh: MAI HẠ



 


.