Một thập niên bão Chanchu: Bão lòng thổi mãi

10:05, 25/05/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Một thập niên đã trôi qua nhưng nỗi đau chưa lúc nào nguôi ngoai, nước mắt luôn chực chảy trên khuôn mặt những người vợ mất chồng, những người mẹ mất con mỗi khi gợi nhắc về cơn bão năm nào.

Ngày 18.5.2006, cơn bão Chanchu lịch sử đã nhấn chìm hàng trăm ngư dân dọc dải đất miền Trung, trong đó có 23 ngư dân ở xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi. 

Chuyến biển định mệnh
 
Chẳng có gì ở xóm biển Tân An gợi nhắc về thảm nạn kinh hoàng 10 năm trước. Hôm nay, biển Cửa Đại hiền hòa, trời xanh ngắt, nắng chát chúa đổ lên những mái nhà san sát. Trong ký ức của bà Dương Thị Đào (63 tuổi), ngày 18.5 của 10 năm trước là một ngày nổi bão, mưa giăng kín trời.
 
Trong một chiều ảm đạm ngồi thu lu ngóng con trai đang lênh đênh ngoài biển, bà Đào nhận được tin bão ngoài khơi, lòng dạ nóng như ai đốt. 
 
Những người hàng xóm nháo nhác hỏi tin nhau: “Cuộc gọi cuối cùng là lúc mấy giờ?, còn liên lạc được không?”. Cả đêm trằn trọc đợi đến sáng để xác tín một điều bà không thể tin vào tai mình, con trai bà, anh Lê Văn Cường đã tử nạn. 
 
Khi ấy, anh Cường mới 23 tuổi, chưa vợ con. Như một dự cảm không lành, trước ngày ra khơi, bà Đào một mực khuyên can: “Con đừng đi, tiền mượn của chủ tàu để đó ba trả cho, ở nhà nghỉ ngơi đi”. 
 
Anh Cường khăng khăng: “Con đi với bạn cho vui, chứ không không có người làm, không đủ bù tổn”. Để rồi đứa con trai ra đi vĩnh viễn, mãi không tìm thấy xác.
 
Trong số 23 ngư dân tử nạn, chỉ có một người được lực lượng cứu hộ ở TP. Đà Nẵng vớt xác, 22 thi thể không biết trôi dạt nơi nào ngoài khơi. Đó là ngày 19.4 Âm lịch, 10 ngày sau, khi cuộc tìm kiếm vô vọng, cả xóm Tân An làm một đại tang cho những người xấu số.
 
Bà Nguyễn Thị Ấp có con trai và ba đứa cháu nội mất trong bão Chanchu mười năm trước. Ảnh: Hiền Linh.
Bà Nguyễn Thị Ấp có con trai và ba đứa cháu nội mất trong bão Chanchu mười năm trước. Ảnh: Hiền Linh.
 
 
Biển Cửa Đại sáng ngày 19.5, khi tin dữ báo về, nhiều người đàn bà đang làm cá ngất lịm đi khi nghe tin chồng chết. Chị Đỗ Thị Mỹ vẫn nhớ như in cái ngày mình ngất lên xỉu xuống mấy lần dù đã được người thân dìu về đến nhà. Anh Võ Văn Hút mất đi để lại chị cùng ba đứa con thơ, đứa lớn nhất 13, đứa nhỏ nhất mới 7 tuổi. 
 
Trên con tàu đó, ba đứa cháu trai của anh Hút cũng bỏ mạng cùng người chú. Mất một đứa con và ba đứa cháu trong cùng một ngày, bà Nguyễn Thị Ấp, mẹ chồng chị Mỹ như người mất hồn. 
 
Mười năm qua, bà Ấp giờ đã 78 tuổi, nhưng đôi mắt bà vẫn chưa ráo nước. Ngồi bệt trong căn nhà của con dâu và cháu nội, bà Ấp chắp tay trước ngực như một thói quen của người theo đạo Phật, mắt ngân ngấn nước, run run: “Mấy ngày trước, nghe tin bão thì thằng Hết gọi ra nói thằng U lo về, nhưng nó bảo chưa đủ tổn. Còn thằng Hút đang đau cột sống, tôi bảo nó ở nhà uống thuốc cho khỏe mà nó có nghe đâu”.
 
Tuổi già lẩn thẩn, bà Ấp hay có những giấc mơ lúc vừa chợp giấc. Trong giấc mơ, anh Hút về gọi  mẹ, ba đứa cháu đến bên cửa gọi bà. Những giấc mơ khởi nguồn từ nỗi nhớ khôn nguôi.
 
Chuyện của người ở lại
 
Mất chồng, những người phụ nữ ở xóm biển Tân An vừa làm cha, vừa làm mẹ, vất vả nuôi con trưởng thành, nhưng thiệt thòi khi thiếu vắng người đàn ông trụ cột của gia đình không dễ gì bù đắp. 
 
Được sự hỗ trợ của các đoàn thể và nhà hảo tâm, chị Đỗ Thị Mỹ xây lại căn nhà đàng hoàng để có nơi thờ chồng. Xây nhà xong, tiền hết, suốt một năm trời không làm gì nổi, gia đình dần kiệt quệ. 
 
Người chồng bỏ mạng ngoài biển để lại chị Mỹ cùng ba đứa con thơ. Ảnh: Hiền Linh.
Người chồng bỏ mạng ngoài biển để lại chị Mỹ cùng ba đứa con thơ. Ảnh: Hiền Linh.
 
Hai năm sau, chị Mỹ phải li hương, vào Phước Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu vừa bán bánh bèo, vừa làm cá. Nhưng nỗi lo về con cứ canh cánh bên lòng, hè đưa con vào, vào năm học lại chị lại đưa con ra. Ở đất khách quê người, 4 mẹ con người ngủ giường, người ngủ đất trong căn phòng trọ chật hẹp.
 
Trong cảnh chật vật nuôi con, chị gặp một người đàn ông quê Phú Yên, cũng vào làm biển trong này, rồi đi thêm bước nữa. Có chồng mới để tìm chỗ dựa cho mình và con, như chuyện cực chẳng đành, nhưng không thể nào tránh khỏi những định kiến. 
 
Khi hai người dắt díu nhau về, cả nhà nội ngăn cản, dèm pha. Nhưng để bảo vệ tình yêu với chị, anh Bùi Văn Hiệp chấp nhận chịu thiệt thòi, rồi dần dà thuyết phục mọi người bằng cách quan tâm đến mọi người, đối đãi tốt với con riêng của vợ. 
 
Đến giờ, phía nhà nội của sắp nhỏ quý anh Hiệp như em trai, còn bà Ấp thì nhất mực bảo vệ anh: “Bác xem cháu như con trai của bác”. Những ngày này, anh Hiệp hoãn đi biển để chờ đến ngày làm giỗ anh Hút, chồng cũ của vợ anh.
 
Những người phụ nữ ở miền biển này, chỉ có nghề làm cá, và khi chồng mất, việc cáng đáng gia đình như một gánh nặng quá sức. Có người đi thêm bước nữa nhưng cũng không tránh khỏi những dèm pha. Nhưng rồi cuộc sống vẫn tiếp diễn, và tình yêu hồi sinh trên những mảnh đời khổ đau, mất mát.
 
Cạnh nhà chị Đỗ Thị Mỹ là nhà chị Nguyễn Thị Kim. Mười năm trước, anh Võ Hữu Dũng Em là người duy nhất được tìm thấy xác trong 23 ngư dân tử nạn, khi anh mất, đứa con trai mới tròn 6 tuổi, giờ đã thành một chàng trai 16. 
 
Chị Kim ngại những chuyến biển xa bờ, nên dù đi bước nữa, cũng lo cho con đi học đàn để sau này làm nhạc công đám cưới theo nguyện vọng của cháu. 
 
Cơn bão đi qua, nhưng dấu vết của nó ám lên thân phận những người ở lại. Ông Võ Sáu và bà Võ Thị Yến năm nay đều đã ngoài 70 nhưng không ai chăm sóc, con trai duy nhất của ông bà bỏ mạng ngoài biển, chỉ còn hai người già chăm nhau bằng chế độ cho người có công với cách mạng.
 
Ngôi nhà của bà Lâm Thị Dành (77 tuổi) trống vắng hoang lạnh đã 10 năm kể từ ngày anh Cao Văn Tặng mất. Khi đó, anh mới 25 tuổi, còn cậu con trai Cao Văn Thuận mới 2 tháng 10 ngày, bà Dành đóng đinh những con số trong trí nhớ. 5 năm sau ngày ba mất, mẹ lấy chồng, cậu bé Thuần sống với bà nội, bằng tình thương của chú, bác, cô dì.
 
Những đứa trẻ như Thuận lớn lên sẽ làm gì? Bà Dành buồn buồn: “Mới lớp 4 thôi mà nó đòi lớn lên đi biển”. Những người đàn bà xứ biển, nghe con đòi đi biển với một cảm xúc khó tả, ừ thì bất trắc, rủi ro, nhưng biết làm sao được, mình sinh ra ở biển mà. 
 
Bà Dành cưu mang đứa cháu nội, cha em Thuận mất trong bão Chanchu 10 năm trước. Ảnh: Hiền Linh.
Bà Dành cưu mang đứa cháu nội, cha em Thuận mất trong bão Chanchu 10 năm trước. Ảnh: Hiền Linh.
 
Cũng có đứa trẻ lớn lên với ước mơ làm nghề trên bờ, nhưng phần lớn những đứa con của xóm biển này, cũng như Thuận, lớn lên là đòi đi biển, như một lẽ tự nhiên. 
 
Chàng trai Võ Văn Sang, con chị Mỹ mới 17 tuổi mà đã dày dạn biển. Bà, mẹ khuyên can, cậu tặc lưỡi: “Sinh nghề tử nghiệp mà, bà, mẹ nói rủi làm chi”. Một đứa bỏ mạng ngoài khơi, bà Dương Thị Đào còn lại 3 đứa con trai, nhưng không đứa nào bỏ biển. Họ đi biển như một bản năng sinh tồn, chẳng cần hỏi tại sao.
 
Bây giờ, những con tàu ở xã Nghĩa An đã to hơn, với thiết bị nối liên lạc với bờ hiện đại hơn, và hệ thống dự báo thời tiết cũng được hoàn thiện hơn so với 10 năm về trước. Nhưng lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm, câu ca dao muôn đời vẫn vậy.
 
Mười năm trôi qua, là một chấm nhỏ trong thời gian vô tận, nhưng với những người phụ nữ nơi đây, nó đếm bằng từng ngày dài đằng đẵng. Cơn bão Chanchu 10 năm trước đã tan rồi, nhưng bão lòng nơi họ còn thổi mãi không nguôi.
 
Hiền Linh
 

.