Lan tỏa những hành động đẹp

10:05, 20/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với họ, những công việc dù nhỏ nhất nhưng có tính chất giáo dục mọi người, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương... thì họ luôn tiên phong, sẵn sàng nhận về mình, coi sự cống hiến ấy là lẽ đương nhiên...

Còn sức khỏe là còn cống hiến

Đó là chia sẻ của những hội viên cao tuổi thuộc Chi hội Người cao tuổi (NCT) tổ dân phố Phú Bình Đông, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Hằng ngày đi qua đoạn đường từ Trường Mẫu giáo đội 7 đi ngã 3 Vĩnh Cò thấy mặt đường thấp, có nhiều đoạn bị trũng, chỉ cần một trận mưa cũng đủ làm cho những người dân nơi đây ám ảnh nên những hội viên NCT đi đầu kêu gọi, vận động hội viên ủng hộ tiền, ngày công để xây dựng mương và lắp đặt cống thoát nước. Sau một thời gian phát động đã quyên góp được hơn 30 triệu đồng, 100 công lao động, nên tuyến cống thoát nước dài gần 150m, sâu hơn 1m được hoàn thành trong niềm phấn khởi của bà con nơi đây.

Bà Hường (bên trái) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên các gia đình sinh con một bề thực hiện tốt KHHGĐ.
Bà Hường (bên trái) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên các gia đình sinh con một bề thực hiện tốt KHHGĐ.


Những hội viên NCT ở đây còn đi đầu trong việc lắp đặt hệ thống điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm, xây dựng tuyến đường văn minh, sạch đẹp. Từ đầu năm đến nay đã lắp điện thắp sáng được thêm 3 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 3km, kinh phí thực hiện hơn 30 triệu đồng. Họ còn đồng lòng thực hiện những việc làm mang nhiều ý nghĩa, hướng về cội nguồn, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ông Trần Minh Công - Chi hội phó Chi hội NCT TDP Phú Bình Đông, thổ lộ: “Đã là NCT thì phải làm gương, đi đầu, sẵn sàng ủng hộ, góp sức cùng với chính quyền để xây dựng các phong trào, đời sống văn hóa mới ở KDC. Hơn nữa, việc chung tay giúp đỡ nhân dân, xây dựng các công trình cho cộng đồng còn giúp hội viên gắn kết tình cảm, tăng cường tinh thần đoàn kết với tinh thần còn sức khỏe là còn cống hiến”.

Vác tù và hàng tổng

Quê ở Hà Tĩnh, trong lúc cùng tham gia kháng chiến, nữ TNXP  Lê Thị Hường đã phải lòng anh bộ đội người Quảng Ngãi. Hòa bình lập lại, bà Hường theo chồng lên Minh Long lập nghiệp. Sau quãng thời gian làm hộ lý ở Trung tâm y tế huyện Minh Long, bà Hường xin về hưu sớm để có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ con cái. Nơi gia đình bà Hường sinh sống là thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai với hơn 80%  người đồng bào Hrê cư trú. Nhận thấy ý thức về việc chăm sóc SKSS và KHHGD của nhân dân trong vùng còn thấp, năm 2002 bà Hường xung phong nhận việc khó về mình - làm CTV dân số kiêm y tế thôn. “Bà con vùng cao cứ theo thói quen “trời sinh voi sinh cỏ” nên sinh đẻ không kế hoạch. Đến khi sinh con ra cũng không biết cách chăm sóc, không tiêm ngừa vắc xin cho trẻ... nên tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, mất vì bệnh tật chiếm tỷ lệ cao... Mình có hiểu biết mà để bà con lâm cảnh như thế là có tội”, bà Hường bộc bạch.

Với suy nghĩ đó, bà Hường mày mò học tiếng Hrê hơn 2 năm liền để có thể trò chuyện, lắng nghe được tâm sự của bà con vùng cao. Bà Hường chia sẻ: Muốn tuyên truyền tốt thì phải gần gũi, hiểu được nỗi lòng, suy nghĩ của họ. Chị Đinh Thị Sá (34 tuổi) sinh con một bề gái ở thôn Mai Lãnh Hữu, tâm sự, khi đứa con gái thứ hai chào đời, cô Hường luôn đến động viên, hướng dẫn tôi cách kế hoạch để không mang thai nữa. Vợ chồng tôi cũng đã thống nhất với nhau sẽ không sinh thêm con, tập trung làm việc để có điều kiện chăm lo, dạy dỗ các con nên người.

Còn với ông Đinh Kim (61 tuổi) ở thôn Gò Chè, xã Long Sơn (Minh Long) thì tự hào khoe với chúng tôi khi được Bộ Y tế trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp DS-KHHGĐ. “Đây là món quà to lớn của Đảng và Nhà nước dành cho tôi trong suốt gần 20 năm gắn bó với công tác dân số”. Ông đến với công tác dân số như một nhân duyên, vào năm 1997 khi đang làm cán bộ thống kê của xã Long Sơn. Thời gian đó ông Kim là số ít người đồng bào thiểu số trong xã biết chữ, nên ông được Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nhờ đọc các tài liệu, tuyên truyền các chính sách mới của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ cho bà con trong xã.

Từ đó, ông có điều kiện nói chuyện, gần gũi hơn với bà con nên ông quyết định gắn bó với vai trò là CTV dân số của thôn. Là CTV dân số nam giới duy nhất của xã, nhưng ông Kim vẫn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay thôn Gò Chè có 162 hộ dân, trong đó người Hrê có 157 hộ. Những năm trở lại đây, thôn không có người sinh con thứ 3. Ông Kim chia sẻ: "Làm công tác dân số phải thực hiện theo phương châm: Mưa dầm thấm lâu, phải kiên trì, nhẫn nại. Tính cách ấy tôi học được từ Bác Hồ đấy".

Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.