Áp lực cho miền núi khi áp dụng chuẩn nghèo mới

07:05, 13/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều mới, số lượng hộ nghèo tại khu vực miền núi tăng vọt từ 17.180 lên 27.937 hộ đã tạo thêm áp lực cho 6 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh trong công tác giảm nghèo…
 

TIN LIÊN QUAN


Không còn dựa vào tiêu chí thu nhập như chuẩn nghèo cũ, chuẩn nghèo đa chiều mới theo hướng đa chiều để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn theo nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, các tiêu chí đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là tiêu chí tiếp cận thông tin, nhà ở, nước sạch và vệ  sinh môi trường được xem là những tiêu chí khó đối với khu vực miền núi.

Với tiêu chí tiếp cận thông tin, hiện nay, đài truyền thanh cơ sở tại các huyện miền núi – tài sản phục vụ tiếp cận thông tin tại các huyện miền núi đều đang xuống cấp, hư hỏng. Hệ thống loa truyền thanh ở các xã, thôn vẫn còn quá ít, trong khi địa bàn miền núi thường trải rộng, dân cư lại sống rải rác. Chính vì thế, cải thiện được các chỉ số trong tiêu chí tiếp cận thông tin ở khu vực miền núi là một vấn đề khá nan giải trong thời gian tới.

Hầu hết nhà sàn khu vực miền núi đều không đáp ứng được chỉ số diện tích nhà ở bình quân đầu người.
Hầu hết nhà sàn khu vực miền núi đều không đáp ứng được chỉ số diện tích nhà ở bình quân đầu người.


"Hầu hết các Đài truyền thanh xã đều xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu truyền dẫn, truyền thanh. Đường truyền internet cũng chỉ đến khu vực trung tâm xã. Các thôn vùng sâu, vùng xa còn không có cả sóng điện thoại. Vì vậy, nếu căn cứ theo tiêu chí tiếp cận thông tin, thì hầu hết các hộ gia đình ở các xã khu vực miền núi của huyện đều thiếu hụt”, ông Nguyễn Đức Phong - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Trà Bồng cho biết.

Tại xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Trà Bồng là Trà Bùi; thôn Quế, thôn Tang đều thuộc vùng “lõm sóng”, nên dù có phương tiện tiếp cận thông tin, nhưng người dân không thể sử dụng dịch vụ. Anh Hồ Văn Mười, ngụ ở xã Trà Bùi tâm sự: “Nếu xét về chỉ tiêu sử dụng dịch vụ viễn thông, thì tôi đạt tiêu chí vì có sử dụng điện thoại di động. Nhưng thực ra, điện thoại di động chủ yếu chỉ dùng để nghe nhạc chứ sóng trên này chập chờn lắm. Nhiều khi phải xuống trung tâm xã, mới gọi điện được”.

Còn tại huyện Tây Trà, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 55,5% (năm 2015) tăng lên 79,77%.  “Theo quy định, diện tích ở bình quân đầu người nếu không đủ 8m2/người (không tính nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh) thì sẽ xác định là hộ nghèo. Nhưng với đặc thù của người dân trên địa bàn huyện là sinh sống tập thể trong nhà sàn, thì hầu hết các hộ gia đình đều có diện tích ở bình quân dưới 8m2/người. Điều này đã khiến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện tăng vọt khi áp dụng chuẩn nghèo mới”, ông Phan Văn Hiền - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Trà chia sẻ.

Áp dụng theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi từ 28,76% tăng lên gần gấp đôi. Tăng tỷ lệ hộ nghèo, không chỉ khiến các địa phương gia tăng thêm áp lực trong cải thiện, tháo gỡ những thiếu hụt cho người dân, mà còn khiến các xã điểm nông thôn mới khu vực miền núi ảnh hưởng tiến độ về đích nông thôn mới.

Tại xã điểm nông thôn mới Long Sơn (Minh Long), nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã khoảng 23%, thì đến 2016, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã tăng vọt lên 48,83%. Trong khi đó, theo kế hoạch, xã Long Sơn đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí để tăng tốc về đích vào năm 2017.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Vinh- Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo là hai tiêu chí nan giải nhất. Vậy nên khi tiêu chí hộ nghèo tăng hơn gấp đôi như thế này, xã sẽ phải cần thêm thời gian để hoàn thành tiêu chí”.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.