Phát triển nghề công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp

10:04, 28/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, công tác xã hội (CTXH) đã trở thành một nghề từng bước hướng đến sự chuyên nghiệp, được Nhà nước công nhận về mặt pháp lý, được xã hội ghi nhận.

TIN LIÊN QUAN

Nghề CTXH là một nghề trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng xã hội “yếu thế”. Qua đó, giúp họ phát triển khả năng của bản thân, gia đình; kết hợp cùng với giúp đỡ của cộng đồng, Nhà nước, vươn lên hòa nhập đời sống cộng đồng. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010 phê duyệt Đề án phát triển Nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Quyết định 32). Ở Quảng Ngãi, với sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, các ngành chức năng liên quan, nghề CTXH cũng từng bước phát triển, thu hút sự quan tâm của xã hội.

 Chăm sóc người cao tuổi neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Chăm sóc người cao tuổi neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.


Mục tiêu chung của Đề án là “Phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH. Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”. Quyết định 32 đã tạo ra hành lang pháp lý để từng bước phát triển nghề CTXH hướng đến sự chuyên nghiệp. Đồng thời, cũng tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về nghề này.
 

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 31.000 người cần được bảo trợ xã hội, trong đó có trên 2.100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 16.000 người cao tuổi, gần 6.000 người mất sức lao động…

Thực hiện Quyết định số 513/QĐ-UBND ngày 6.4.2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển Nghề CTXH giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi; Sở LĐ-TB&XH đã chọn TP.Quảng Ngãi là đơn vị thực hiện thí điểm phát triển nhân viên công tác xã hội.

Trong 4 năm qua (từ năm 2012 đến 2015) đã bố trí kinh phí 426 triệu đồng để hỗ trợ phụ cấp cộng tác viên ở 10 xã, phường (từ năm 2012-2014) và 23 cộng tác viên (năm 2015) ở 23 xã, phường của TP.Quảng Ngãi để thực hiện nhiệm vụ trên. Ban Chỉ đạo Đề án đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nghề CTXH và các văn bản pháp luật về chính sách xã hội. Tổ chức rà soát nhu cầu đào tạo của viên chức, nhân viên, cộng tác viên làm CTXH. Trên cơ sở kết quả rà soát, Sở LĐ- TB&XH đã tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về nghề CTXH cho trên 200 lượt cán bộ tại 184 xã phường, thị trấn và cán bộ tại 14 Phòng LĐ- TB&XH các huyện, thành phố trong tỉnh.

Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, học viên đã nắm bắt được các kiến thức cơ bản về nghề công tác xã hội cũng như các kỹ năng, kiến thức làm việc trực tiếp với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng cũng như tại cơ sở nuôi dưỡng, hỗ trợ các đối tượng ổn định cuộc sống, tinh thần.

Ông Nguyễn Duy Nhân – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hiện toàn tỉnh có 1.672 cán bộ, công chức, viên chức làm CTXH. Tuy nhiên, phần lớn đều chưa qua đào tạo, đồng thời, mức hỗ trợ hàng tháng cho cộng tác viên còn thấp nên chưa có sức hấp dẫn để nhân rộng mô hình phát triển nhân viên CTXH cho các địa phương trong toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh ta vẫn chưa thành lập được Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nghề CTXH, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm việc trực tiếp tại các Trung tâm bảo trợ, chăm sóc đối tượng trong tỉnh.

Bài, ảnh: VŨ YẾN


 


.