Ôm nợ vì… "cầm đèn chạy trước ô tô"

04:04, 30/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Đua nhau vay tiền làm đẹp nhà cửa, cơi nới, xây tường rào, cổng ngõ, ao cá… chờ đền bù Dự án Nhiệt điện Semcorp, bất ngờ, dự án phải lùi tiến độ ít nhất 4 năm. Đó là câu chuyện cười ra nước mắt của hàng trăm hộ dân ở xã Bình Đông (Bình Sơn). 

TIN LIÊN QUAN

Còn chỗ nào trống cứ xây
 
Năm 2013, người dân ở xã Bình Đông đón nhận tin mình phải di dời để nhường đất cho Dự án Nhiệt điện Semcorp. Nhà máy này sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp phía Đông, KKT Dung Quất trên diện tích khoảng 134 ha. 
 
Cũng từ dạo ấy, hàng trăm hộ dân chuẩn bị cho sự ra đi bằng việc chặt bỏ cây cối trong vườn, đổ xô làm đẹp nhà cửa, cơi nới, xây tường rào, cổng ngõ, ao cá… “đón” dự án. 
 
Bất ngờ, mới đây, chủ đầu tư dự án phải lùi tiến độ ít nhất 4 năm để thay đổi công nghệ từ chạy than sang khí, khiến nhiều người méo mặt.
 
 
Những căn nhà cơi nới không tô trát.
Những căn nhà cơi nới không tô trát.
 
Trong vai nhân viên ngân hàng cần tìm khách hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi, chúng tôi được cụ Nhân (87 tuổi), ngụ ở thôn Tân Hy thật thà kể chuyện cụ và bà con lối xóm xây thêm nhà tạm đón dự án.
 
Chỉ tay về phía căn nhà xây tạm, cụ Nhân nói: “Tui vay 100 triệu đồng xây thêm cái nhà nhỏ nhỏ, hồ cá, nhà vệ sinh chờ đền bù. Xây “hết khung, hết số”, còn chỗ nào trống là xây mấy cái tầm bậy tầm bạ, nếu đền bù được tới 500 triệu đồng. Ai ngờ…!”.
 
Hồ hởi dẫn chúng tôi đi khắp xóm, cụ Hoàng (91 tuổi) bạn tâm giao với cụ Nhân gõ cửa từng nhà hỏi giúp chúng tôi tìm người có nhu cầu vay vốn lãi suất thấp để trả món nợ xây nhà không?
 
Cụ Hoàng bảo vợ cụ chết mấy chục năm rồi, ăn không nhiều mà ở không bao nhiêu, chưa bao giờ nghĩ đến nhà cao cửa rộng. Lâu nay cụ sống một mình trong ngôi nhà cũ ba gian hơn 100m2. 
 
Anh con trai ở riêng, nhưng khi nghe “trúng” dự án, “máu” nên thế chấp sổ đỏ cộng với số tiền vợ chồng ki cóp, chắt chiu lâu nay “đầu tư” xây hết hơn trăm triệu.
 
“Thấy họ làm quá nó cũng bắt chước làm theo, hồi đó ai cũng nghĩ bỏ ra một thu lại năm nên chỗ nào trống là cứ xây hết? Nào ngờ giờ im xo, vợ chồng nó phải vay nóng trả lãi ngân hàng, còng lưng đánh lưới trả nợ”- cụ Hoàng thở dài.
 
 
Chuồng gà cũng được xây nhiều tầng.
Chuồng gà cũng được xây nhiều tầng.
 
Theo cụ Hoàng, cụ Nhân, những trường hợp “chạy” đền bù giải tỏa này hầu hết phải vay tiền, người ít thì vài chục triệu, người nhiều xây kiên cố, đổ bê tông đến đôi ba trăm triệu. Lý lẽ của họ là xây thêm để khi đền bù được thêm chút tiền lên nơi tái định cư mới đủ tiền xây nhà kiên cố. 
 
Dạo một vòng quanh thôn Tân Hy, Sơn Trà 1, đâu cũng thấy những ngôi nhà xây rộng thênh thang, bờ tường xi măng, lưới thép B40 dài tít tắp, mái hiên được cơi nới ra tận đường đi. 
 
Nhà nào cũng có phảng nằm, chuồng gà, thêm nhà tắm, nhà vệ sinh, hồ cá… vây kín lối đi. Không ít nhà cơi nới cái gác lửng sơ sài, tạm bợ bằng ván có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
 
Cũng có những căn nhà xây không cửa nẻo, tường chưa tô trát rêu bắt đầu phủ, bên trong hồ cá không một giọt nước. Tất cả đều dở dang, đìu hiu.
 
Đổ xô bán nhà
 
Không chỉ ồ ạt đầu tư cơi nới nhà cửa, xây tường rào, cổng ngõ, ao cá… tại nơi ở cũ “đón” dự án, một số hộ dân còn cầm đèn chạy trước ô tô, vay ngân hàng, thậm chí là vay nóng đầu tư mua đất, xây nhà ở nơi khác để khi di dời có chỗ ở, không về nơi tái định cư hoặc bán lại kiếm lời. 
 
 
Cái gát lở được cất tạm bợ, sơ sài.
Cái gác lở được cất tạm bợ, sơ sài.
 
Chạy ngược xe về hướng nam tìm đến thôn Thượng Hòa, chúng tôi ghi nhận hàng chục ngôi nhà vừa xây xong treo biển bán nhà đều bỏ trống không cửa nẻo, không một bóng người ở. 
 
Dừng chân trước hai ngôi nhà liền kề đang treo biển bán nhà, ở nhà đối diện có một phụ nữ ngồi đu đưa hóng mát trên chiếc võng, thi thoảng nhìn về phía hai căn nhà treo biển bán nhà. Trên gương mặt của người phụ nữ trạc ngũ tuần những lo âu không thể diễn tả hết bằng lời.
 
Chị buông tiếng thở dài: “Em xem được thì mua giúp chị, hơn 300 triệu mỗi căn mới bán, tiền đất với tiền xây dựng hết 220 triệu rồi, chưa kể tiền lãi vay nóng. Bán trả nợ cho nhẹ người, đợi 4 năm nữa dự án trở lại chắc nhà chẳng còn gì. Đang yên đang lành giờ lại ôm vào cục nợ không biết đến bao giờ mới trả nổi?”.
 
Cũng theo lời kể của chị, nhiều gia đình vì cảnh nợ nần mà sinh ra lục đục, rồi cãi vã. Biết rõ là mình đã sai, nhưng cũng vì hám lợi nên nhắm mắt làm liều. 
 
Câu chuyện xây nhà chờ đền bù không còn là chuyện mới ở những ngôi làng có dự án, nhưng có lẽ chuyện ôm nợ vì "cầm đèn chạy trước ô tô" của người dân xã Bình Đông là câu chuyện bi hài. Và hậu quả cuối cùng, chính người dân đã gây cho gia đình họ những sự việc đau lòng không đáng có. 
 
 
Bài, ảnh: Chấn Phong
 

.