Nỗi đau mang tên "bẫy điện"

09:04, 27/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã tuyên truyền và khuyến cáo bà con nông dân không được dùng điện để bẫy chuột, song, trong thực tế một số người vẫn còn chủ quan sử dụng điện để bẫy chuột. Hậu quả là đã có không ít người vướng vào vòng lao lý vì “bẫy điện” làm chết người. 

TIN LIÊN QUAN

Vào tù vì bẫy chuột… làm chết người

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Quy (1983) ở thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) ) về hành vi sử dụng điện sinh hoạt để bẫy chuột gây chết người. 
 
Theo cáo trạng, do đám ruộng mới sạ lúa thường xuyên bị chuột cắn phá nên Nguyễn Thị Quy nghĩ cách sử dụng điện sinh hoạt để bẫy chuột. Khoảng 15h30 ngày 11.12.2015, Quy đã ra tiệm tạp hóa ở cùng thôn để mua dây kẽm mang về nhà lấy dây điện, cọc tre, ổ cắm điện và điện dùng cho sinh hoạt (điện 220V) trong gia đình để làm bẫy chuột tại đám ruộng gần nhà của mình. 
 
Sau khi làm bẫy xong, Quy kiểm tra bẫy điện đã hoàn thành thì Quy rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện trong nhà. Khoảng 22h cùng ngày, sau khi dự họp tại điểm sinh hoạt dân cư về, Quy cắm nguồn điện sinh hoạt vào bẫy đã cài sẵn để bẫy chuột.
 
Sau đó, Quy ngồi tại lan can hè nhìn ra ruộng canh chừng người qua lại. Đến khoảng 23h thì vào nhà nằm, sau đó cứ cách 10- 15 phút thì Quy lại cầm đèn pin ra hè nhà rọi nhìn ra đám ruộng canh chừng. Đến khoảng 23h30 phút thấy sự việc bình thường nên Quy vào nhà ngủ.
 
Lúc này, anh Hà Sang (1974) ở thôn Thọ Tây xã Tịnh Thọ, sau khi họp khu dân cư xóm và uống bia với những người bạn cùng xóm, khi về, ông Sang đi đường tắt băng qua đám ruộng mà Quy đang gài điện diệt chuột để về nhà thì vướng vào bẫy điện do Quy làm và bị điện giật chết. 
 
Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 12.12.2015, Quy thức dậy rút phích cắm điện ra khỏi ổ cắm để ra kiểm tra ruộng lúa thì phát hiện ông Sang nằm chết tại ruộng lúa của mình. Sau đó, Quy gọi mọi người xung quanh đến để báo cáo với chính quyền địa phương.
 
Công an khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn gây chết người do dùng điện bẫy chuột ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh). (ảnh tư liệu)
Công an khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn gây chết người do dùng điện bẫy chuột ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh). (Ảnh tư liệu)
 
Điều đáng nói, đám ruộng Quy dung điện để bẫy chuột nằm gần khu dân cư, thường xuyên có người qua lại. Trong khi làm bẫy điện Quy không lắp đặt hệ thống biển báo nguy hiểm, không ở lại canh đường dây điện và thông báo cho người qua đường. 
 
Phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Quy thu hút sự quan tâm của nhiều bà con nông dân. Đứng trước hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh ở vị trí bị cáo, ánh mắt Nguyễn Thị Quy thất thần. Chị không ngờ chỉ vì sự thiếu hiểu biết của mình đã gây ra tai nạn chết người. 
 
Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Nguyễn Thị Quy đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Sau khi xem xét đầy đủ, toàn diện hồ sơ vụ án, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Quy 3 năm tù, đồng thời buộc bị cáo bồi thường cho gia đình người bị hại với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, bị cáo và gia đình bị cáo phải có trách nhiệm chu cấp tiền cấp dưỡng hàng tháng cho 3 người con chưa thành niên của người bị hại với số tiền là 500 ngàn đồng/tháng/ cháu, cho đến khi 3 cháu đủ 18 tuổi. 
 
Cần xử lý nghiêm tình trạng sử dụng điện bẫy chuột
 
Chuyện dùng điện sinh hoạt để  bẫy chuột gây ra tại nạn nạn chết người ở các địa phương trong tỉnh không phải bây giờ mới có, bởi đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng nông dân giăng bẫy chuột gây chết người. Hậu quả, không chỉ nạn nhân tử vong mà người bẫy chuột cũng phải trả giá.
 
Còn nhớ vụ án xảy ra cách đây vài năm, vào tối ngày 8.2.2010, Trần Minh Đạo (1964), thôn Bình Tây, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa (nay là TP. Quảng Ngãi) đã dùng dây kẽm và cọc tre bao quanh ruộng lúa sau đó đấu nối với nguồn điện thắp sáng ra ruộng để bẫy diệt chuột. Khuya ngày 8.2, anh Trần Văn Vinh (1980), thôn Điện An 1, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa do không phát hiện được bẫy điện trên ruộng của Đạo nên bị điện giật chết tại ruộng.
 
Sau khi phát hiện thi thể nạn nhân, Trần Minh Đạo hoảng sợ đã kéo thi thể nạn nhân sang ruộng lúa lân cận. Sáng hôm sau người dân địa phương phát hiện thi thể nạn nhân đã báo với cơ quan công an. Hậu quả, Trần Minh Đạo bị Toà án nhân dân tỉnh tuyên phạt 4 năm tù về hành vi  giết người.
 
Bị cáo Nguyễn Thị Qui tại phiên tòa xét xử hành vi dùng điện bẫy chuột gây chết người
Bị cáo Nguyễn Thị Quy tại phiên tòa xét xử hành vi dùng điện bẫy chuột gây chết người
 
Đến giờ, nhiều người dân ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) vẫn chưa thể quên vụ trưởng thôn Phạm Văn Vụ gây ra cái chết thương tâm cho 2 người đàn ông ở cùng xã. Sốt ruột do đám lúa phía sau nhà bị lũ chuột cắn phá, sáng ngày 22.2.2009, ông Vụ mua hai cuộn dây kẽm về giăng xung quanh ruộng rồi nối với dây điện trong nhà để diệt chuột.
 
Cái ‘bẫy điện” do ông Vụ bày ra không những không diệt được chuột mà đã khiến 2 ông Nguyễn Dân (47 tuổi) và Nguyễn Văn Tâm (33 tuổi), cùng ở thôn Lương Nông Nam dính bẫy chuột và tử vong. Trước hành vi vi phạm pháp luật của mình, ông Vụ phải trả giá bằng 4 năm tù giam. 
 

Theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17.10.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tại điểm đ, khoản 4, Điều 15 có quy định: Hành vi “Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật” sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.  

Tại Điều 98 của Bộ Luật Hình sự hành vi còn bị đưa vào tội vô ý làm chết người có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm, phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm…

Thực tế, sự nguy hiểm của việc dùng bẫy điện diệt chuột đối với tính mạng con người hầu hết ai cũng biết, nhưng không ít người vẫn còn chủ quan và  chưa  lường hết sự nguy hiểm và chưa hiểu biết những quy định của luật pháp. Đến khi tai nạn đáng tiếc xảy ra thì mọi chuyện đã quá muộn. 

Đã đến lúc cần có những tuyên truyền, cảnh báo mạnh mẽ về tai nạn trong việc dùng điện không đúng mục đích nói chung và dùng điện bẫy chuột gây chết người nói riêng, nhằm làm làm chuyển biến nhận thức của người dân.
 
Mặt khác, cần kiên quyết trong việc xử phạt hành chính khi phát hiện dùng điện để bẫy chuột, nhằm tăng hiệu quả giáo dục, răn đe và phòng ngừa, ngăn chặn triệt để tình trạng này.
 
Thiết nghĩ, để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, bà con nông dân nên sử dụng các biện pháp vừa diệt được chuột mà vừa an toàn cho người khác như đặt bẫy, keo, trộn lúa với thuốc chuột, huy động lực lượng ra quân diệt chuột…. không nên dùng điện để bẫy chuột vừa  nguy hiểm đến tính mạng con người, vừa vi phạm pháp luật. 
 
PV
 
 
 
 

.