Nhà siêu mỏng ngày càng nhiều

02:04, 19/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngôi nhà méo mó, với nhiều góc cạnh, rộng chỉ đủ để dựng chiếc xe máy đang "mọc lên" ngày càng nhiều dọc các tuyến đường, đã và đang làm cho bộ mặt nhiều tuyến phố ở  TP. Quảng Ngãi trở nên xấu xí, nhếch nhác...

Những ngôi nhà kì dị

Tuyến đường Nguyễn Trãi vừa được giải tỏa để nâng cấp, mở rộng. Dù đường chưa hoàn thành, thế nhưng dọc tuyến đã xuất hiện rất nhiều ngôi nhà siêu mỏng với hình thù lạ mắt "mọc" lên. Những ngôi nhà chiều ngang chừng 4m và chiều sâu chưa đến 3m và chỉ có ba cạnh. Để làm nhà ở, nhiều gia đình đã “lên tầng” và mở rộng diện tích bằng cách xây lan can lấn không gian.

 

Một ngôi nhà siêu mỏng
Một ngôi nhà siêu mỏng "mọc lên" trên đường Nguyễn Trãi sau khi giải tỏa mở rộng tuyến đường.


Anh T., chủ nhân căn nhà ba cạnh vừa hoàn thành cho biết, trước đây diện tích đất của anh khá lớn và đã làm nhà ở. Tuy nhiên, khi Nhà nước thu hồi để mở rộng đường, diện tích đất còn lại khá nhỏ nên anh mới làm như vậy để có chỗ ở và kinh doanh. “Biết xây dựng như vậy thì bộ mặt TP. Quảng Ngãi không đẹp, nhưng cả gia đình sống nhờ vào buôn bán nên không thể giao hết đất cho Nhà nước được. Giữ lại chừng ấy đất, nhưng là giữ “nồi cơm” của cả gia đình”, anh T. lý giải.

Còn trên đường Phan Bội Châu, cũng xuất hiện khá nhiều ngôi nhà với hình thù... chẳng giống ai. Nhiều ngôi nhà dù mặt tiền hướng ra đường, nhưng dường như... lại nằm ngang dọc theo đường. Tương tự, trên tuyến đường Phan Đình Phùng, cũng xuất hiện những ngôi nhà mặt tiền chỉ rộng chừng 2m mọc lên đến 3 tầng.

Nguyên nhân do đâu?

Qua tìm hiểu, nguyên nhân  của tình trạng trên là trong quá trình quy hoạch giao thông nhưng chỉ là quy hoạch ngành, chưa gắn được với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và những quy hoạch khác... mới để lại hệ lụy như hiện nay.

Ngoài ra, do không đủ tài chính để giải tỏa ngoài ranh giới nên mới phát sinh những mảnh đất nhỏ. Đồng thời, sức ép tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công dự án cũng là nguyên nhân dẫn đến chính quyền không thể thu hồi hết diện tích còn lại. Còn người dân cũng cần nơi ở nên tiến hành xây dựng ồ ạt. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhân các căn nhà siêu mỏng cho biết, dù diện tích còn lại khá hẹp, nhưng là “đất vàng” trong kinh doanh, nên không muốn bàn giao hết cho Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên - Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Quảng Ngãi, bên cạnh những nguyên nhân trên thì tiềm lực tài chính có hạn dẫn đến không thể thu hồi hết phần diện tích còn lại, là nguyên nhân chính dẫn đến những ngôi nhà hình thù không giống ai. “Nhiều thửa đất chúng ta chỉ cấp phép xây dựng trong phần đất đủ các điều kiện quy định xây dựng, không cấp phép đối với những đoạn méo mó, góc cạnh không đảm bảo. Nhưng người dân đã cố tình làm sai so với giấy phép được cấp nên mới có chuyện nhà ba cạnh, nhà sâu 2m như hiện nay”, ông Nguyên nói.

Tình trạng nhà "siêu mỏng", "siêu méo" là vấn nạn đối với quá trình phát triển đô thị, trở thành bài toán làm đau đầu đối với các cơ quan quản lý. Theo nhiều chuyên gia, tình trạng này là hậu quả của sự quy hoạch thiếu đồng bộ và thiếu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng.

Theo ông Phạm Tấn Hoàng- Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi, nếu làm đồng bộ thì phải giải tỏa toàn bộ để tạo quỹ đất hành lang. Nhưng, nguồn lực để chỉnh trang đô thị quá lớn. Trong khi đó, phần diện tích đất còn lại là của người dân và đủ cơ sở để xây dựng theo quy định của luật pháp, nên người dân có quyền xây dựng nhà cửa.

“Trước mắt, TP. Quảng Ngãi chỉ hạn chế nhà siêu mỏng, nhà méo mó bằng cách khống chế theo thiết kế đô thị và quy định quản lý kiến trúc đô thị. Bản thân tôi cũng thấy những bất cập nhưng biết làm sao được. Thời gian đến sẽ tiến hành áp dụng quy định xây dựng theo thiết kế từng tuyến đường để khống chế dần dần tình trạng nhà siêu mỏng, nhà nhiều góc cạnh”, ông Hoàng cho hay.            
 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.