Sức sống mới bên đường Đông Trường Sơn

10:03, 29/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa hai xã Sơn Long và Sơn Dung (Sơn Tây) được phân định ranh giới bởi “dải phân cách” là dốc Cà Rá U Sầu. Khi cung đường Đông Trường Sơn mở qua đây, cuộc sống thường nhật nơi đây đã rộn ràng, nhộn nhịp...
 

Hồi sinh một vùng đất vắng

Theo cắt nghĩa của những người già trong làng Ca Sim, Mang Hin ngay dưới chân dốc thì “Cà Rá U Sầu” có nghĩa là “Ông già buồn”. Cái buồn của một ông già mang nét khắc khổ trước cảnh heo hút núi rừng vây chặt lấy con dốc này. Ngày ấy, ở Cà Rá U Sầu hiếm khi thấy mặt trời; mùa nào cũng phải mặc áo ấm. Vào mùa đông, người già, trẻ nhỏ không đủ sức để rời khỏi bếp lửa vì cái giá rét căm căm. Sương dày đặc cả ngày ngỡ như mưa xuân rả rích. Còn hôm nay, Cà Rá U Sầu đã bật dậy những tươi vui, rộn rã. Con dốc cao ngày nào nhờ cung đường Đông Trường Sơn đi qua đã hạ xuống rất nhiều. Tuyến đường rộng thênh, uốn lượn qua lưng đèo mềm như dải lụa. Người làng chỉ chưa đến 15 phút ngồi trên xe máy lướt băng băng là vượt qua con dốc, không phải mất vài giờ đi bộ như trước nữa.
 

 

Nhà sàn, ruộng lúa nước của đồng bào Ca Dong bên chân dốc Cà Rá U Sầu thuộc thôn Ca Sim (Sơn Dung, Sơn Tây)
Nhà sàn, ruộng lúa nước của đồng bào Ca Dong bên chân dốc Cà Rá U Sầu thuộc thôn Ca Sim (Sơn Dung, Sơn Tây)

Chúng tôi về Cà Rá U Sầu vào giữa tháng Ba. Hoa rừng đủ sắc màu nở bừng trong nắng sớm. Những vạt keo non búp nõn nà óng lên dưới nắng mai mướt như ai vừa quét lên trên lá một lớp mỡ. San sát nhà sàn, hàng quán. Đường rộng mở ra, người dân ở các thung lũng đã lên dựng nhà để ở, bám lấy cung đường mưu sinh thêm bằng nghề phụ. Trên cung đường Đông Trường Sơn dài hơn 8km vượt dốc Cà Rá U Sầu hàng quán, tiệm sửa xe, tiệm may mọc lên khá nhiều. Cái rẫy, đám ruộng vẫn trồng keo, cấy lúa.

Đồng bào Ca Dong nơi đây không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để đổi lấy củ mì, lúa rẫy, bữa đói bữa no như xưa kia nữa. Họ trồng keo để bán thu tiền lớn. Làm ruộng để nhà có gạo ăn quanh năm. Cái đói đã bị người làng “đuổi” ra khỏi cửa từ nhiều năm rồi. Già làng Đinh Văn Hút, thôn Ca Sim, xã Sơn Dung cho biết: “Già sống ở Cà Rá U Sầu này từ nhỏ nên nhìn thấy sự đổi thay rất rõ. Cái đường to rộng, cái rẫy keo xanh, ruộng lúa nước tốt. Cái bụng no hơn, cuộc sống tươi vui hơn nhiều lắm”.

Chuyện vui của làng

Bây giờ ở vùng quanh chân dốc này đang mùa lúa chín. Những mảnh ruộng bậc thang vàng óng một màu. Về làng Ca Sim, ban ngày hiếm gặp người trẻ. Chỉ có những người già không còn sức để ra ruộng được nữa mới ở lại nhà giúp con cháu làm việc vặt. Bọn trẻ con cũng đều cắp sách đến trường. Khi con dốc Cà Rá U Sầu có đường Đông Trường Sơn đi qua, học sinh ở làng Ca Sim (Sơn Dung) đã sang làng Mang Hin (Sơn Long) để đi học cho gần.

Thầy Nguyễn Văn Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Long cho biết: “Ngành giáo dục huyện luôn tạo điều kiện tốt nhất để các em đến trường. Nhà gần trường, đi học đỡ vất vả cho học sinh. Chuyện giáo viên kèm cặp học sinh yếu kém cũng thuận lợi”. Tính đến giờ, thầy Thanh đã 21 năm “cắm bản” ở chân dốc Cà Rà U Sầu này. Là một giáo viên nhiệt huyết với vùng cao nghèo khó, bước chân thầy Thanh và các thầy cô giáo cùng thời không thể nhớ nổi những lần vượt dốc Cà Rá U Sầu để mang chữ đến với học trò nơi đây. Vắt lá, muỗi rừng, mưa trơn nhiều lúc tưởng như đôi chân của thầy trò không vượt qua nổi. Còn bây giờ học trò áo trắng tinh tươm mỗi sớm chiều, có đi bộ thì đôi chân cũng không còn lấm lem bùn đất. Đường thảm phẳng lỳ nâng mỗi bước chân qua...

Hiện tại, có khoảng hơn 100 hộ dân sinh sống gần chân dốc Cà Rá U Sầu. Già làng Đinh Văn Be, thôn Mang Hin (Sơn Long) bảo: “Làng mình ngày trước rất ít người biết chữ. Giờ thì có đại học rồi đấy. Trước đau ốm chỉ biết cúng Giàng cầu khẩn, nay trạm y tế gần lắm. Ốm đau ra trạm khám, nhận thuốc về uống. Cái sức khỏe tốt hơn, người làng được sống với cái tuổi nhiều hơn. Thế là vui sướng nhất rồi”.

 Anh Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long, trước kia từng là cán bộ của Tiểu khu kinh tế Ra Manh đã gắn bó với mảnh đất này gần 30 năm. Anh là người từng nhiều lần đi bộ từ Ra Manh (Sơn Long) vượt dốc Cà Rá U Sầu về huyện lỵ Sơn Tây giải quyết công việc của tiểu khu khi ấy. “Trời thì lạnh buốt mà vượt qua khỏi con dốc áo đẫm mồ hôi. Còn nay trên cung đường này chẳng còn nhọc nhằn nữa rồi. Cuộc sống người dân đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Nhà nào cũng có xe máy, tivi. Nhiều hộ có đời sống khá giả”.

Đêm chúng tôi ở lại với người dân nơi chân dốc Cà Rá U Sầu mà ngỡ như đang ở một vùng thị tứ. Nhà nhà có ti vi đời mới. Họ “say” với các chương trình truyền hình. Nhà anh Đinh Văn Nhít còn có một dàn karaoke. Khi xem xong thời sự, anh Nhít gọi anh em trong làng đến mở karaoke hát cho vui. Anh Nhít nói rằng: “Thường thì ngày lễ, ngày Tết ngã rạ, Tết cổ truyền, mừng con đầy tháng, thôi nôi mới hát. Hôm nay ngoại lệ vì làng đón khách về thăm chơi”. Những trai gái trong làng ban ngày đôi tay quen làm ruộng, phát rẫy nhưng khi cầm micro hát lại say sưa, giọng hát như có lửa. Cuộc vui kết thúc vào lúc nửa đêm. Ngày mai trời lại sáng, cuộc sống thường nhật nơi đây lại tiếp diễn nhưng mỗi ngày là một nấc thang mới tươi vui...
 
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 

.