Những người mẹ trẻ của học sinh khuyết tật

01:03, 12/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại lớp học ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành), hàng ngày các cô giáo dành trọn tình thương, công sức để dạy dỗ những đứa trẻ kém may mắn trong cuộc đời, tạo cơ hội để các em hướng về cánh cửa tương lai với gam màu tươi sáng hơn.
 
Ở lại với các em thơ

Hôm ấy tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, sau giờ học, các em tíu tít theo chân các cô để đến vườn rau phía bên kia ngôi trường. Ấy là vườn rau do cô Trần Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm, vận động phụ huynh trồng để có thức ăn hàng ngày cho các em. “Nhổ cỏ đi các em”, các cô nói bằng ký hiệu trên ngón tay, những đứa trẻ ngoan ngoãn nghe lời, lúi húi nhổ cỏ rồi gom lại thành đống. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi khi nhổ cỏ cùng học trò, cô giáo Trương Thị Thành (SN 1991) giọng rưng rưng: “Thấy thương các em quá,  nên có muốn đi nơi khác cũng không đành”.

Cô Từ Thị Nguyện cùng các em nhổ cỏ tại vườn rau.
Cô Từ Thị Nguyện cùng các em nhổ cỏ tại vườn rau.


 Cô giáo Thành là một trong số 12 giáo viên chính của trung tâm. Một năm trước, cô Thành tốt nghiệp ngành sư phạm Văn Trường Đại học Phạm Văn Đồng, đó cũng là thời điểm trung tâm chính thức được khánh thành và đưa vào giảng dạy. Cô nộp đơn xin vào trường, với ý nghĩ tìm được một công việc để nuôi sống bản thân. Một tháng sau đó, Thành được một trường khác nhận vào làm việc, nhưng cô không còn muốn xa các em nữa.

Cô giáo Thành không sao quên được những ngày đầu về trung tâm, một cô bé 6 tuổi cứ quấy khóc không chịu học bài, đến giờ ăn trưa cô đưa muỗng cơm vào miệng thì bé quay mặt đi. Bé bị yếu chân bẩm sinh, muốn đi phải có người dìu dắt hoặc tựa vào hành lang, cha mẹ gửi đi trường mẫu giáo nào cô giáo cũng trả về nên quen dựa dẫm trong vòng tay mẹ. Nghe cha em tâm sự chuyện gia đình, cô giáo Thành hiểu và dỗ dành bé nhiều hơn, đến bây giờ bé đã chịu học bài, tự ăn một mình và không còn quấy khóc nữa.

Chính thức hoạt động từ tháng 8.2015, đến nay Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn đã tiếp nhận 75 học sinh khuyết tật. Mỗi em là một số phận kém may mắn. Mỗi ngày qua đi dưới mái ấm ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, tình thương các cô giáo dành cho học trò ngày một tràn đầy, tình thương ấy đã níu giữ các cô ở lại với trung tâm.
 
Vượt qua nhiều khó khăn

Khiếm thính 1A, Khiếm thính 1B, Khó khăn 1, Khó khăn 2… đó là tấm biển trước mỗi lớp học của các em. Khó khăn cũng là điều mà cô giáo nào giảng dạy ở trung tâm cũng phải trải qua. Cô giáo Từ Thị Nguyện (25 tuổi), từng công tác tại một trường khuyết tật ở TP. Hồ Chí Minh. Để được gần gia đình, cô giáo Nguyện đã xin về dạy ở Trung  tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. Những ngày đầu cô đã gặp cản trở từ phía gia đình: “Dạy mấy đứa trẻ như vậy, sau này sinh con ra cũng như vậy đó”. Nghe cũng chạnh lòng, nhưng rồi Nguyện tặc lưỡi: “Giờ sống theo khoa học chứ hơi đâu mê tín”. Những ngày đầu vào trung tâm, cô vừa dạy cho lớp khó khăn, vừa học thêm ngôn ngữ kí hiệu để dạy cho các em khiếm thính. Có những lúc bất lực trào nước mắt: “Có em dạy phát âm chữ A mà cả tuần không phát âm được”. Nhưng rồi cô lấy lại quyết tâm, đưa tay lau nước mắt rồi lại cười với các em, cả cô và trò lại tiếp tục kiên trì luyện tập.

Đối với cô giáo Nguyễn Thị Thảo (23 tuổi), vừa dạy văn hóa vừa phụ trách đội nghi lễ, một bài trống chào cờ cô phải dạy các em hơn một tháng mới xong. Buổi chào cờ đầu tiên nghe đội nghi lễ trổ tài, Thảo rơi nước mắt mừng mừng tủi tủi.

Ở trung tâm nhiều em đã khuyết tật lại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cô bé Nguyễn Như Thảo có mẹ qua đời vì ung thư xương cách đây 4 tháng, thiếu thốn cả tình thương lẫn bàn tay chăm sóc của mẹ. Tháng trước, cô giáo Nguyện dặn ba Thảo mua cho em một bộ đồng phục, cả tuần sau không có, cô trách: Sao anh không quan tâm gì con hết vậy? Ba bé Thảo gãi đầu: Tôi có biết mua chỗ nào, cỡ nào đâu cô. Thế là Nguyện đóng thay vai mẹ, dẫn bé Thảo ra chợ mua một bộ đồng phục mới. Trong số 75 em ở trung tâm có 50 em ở nội trú, các cô phải lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy các em từ cách xếp chăn, màn, đến giặt quần áo...

 Bên vườn rau, khi học trò đang lúi húi nhổ cỏ, cô giáo Trương Thị Thành trải lòng: “Những tối không trực ở cơ quan, em phải dạy kèm ở nhà để kiếm thêm thu nhập. Dù đồng lương ít ỏi cũng không muốn đi làm việc ở nơi khác, vì ở đây mọi người đều yêu thương nhau". Cô giáo Thành cho biết, có hôm nhìn một em tự kỷ cầm một sợi chỉ và cười, nụ cười vô hồn của đứa trẻ kém may mắn càng khiến cô yêu thương và muốn giúp đỡ các em nhiều hơn. Trước mặt cô Thành là những thửa rau được chia cho từng lớp, với tấm biển có chữ Khó khăn 1, Khó khăn 2... Khó khăn đối với các cô giáo giảng dạy ở trung tâm cũng chồng chất, như những tấm biển kia cứ nối tiếp nhau... Thế mà các cô vẫn nở nụ cười, vẫn lặng lẽ hàng ngày chăm sóc những mảnh đời...

Bài, ảnh: TRIỀU - LINH

 


.