Hát Quốc ca bằng cả trái tim

10:03, 06/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đặt bàn tay lên phía ngực trái nơi có trái tim, hát Quốc ca bằng ký hiệu, đó là cách học sinh khuyết tật thể hiện nghi thức chào cờ của mình.

TIN LIÊN QUAN

Nhà ở Đức Chánh (Mộ Đức), mỗi sáng đầu tuần, em Trần Như Luật, lớp Khiếm thính 5, Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh được gia đình đưa đến trường sớm để kịp dự lễ chào cờ. “Trò chuyện” với chúng tôi thông qua cô giáo phiên dịch, Luật cho biết: “Em được phân công cầm cờ trong đội nghi lễ của trường. Dự lễ chào cờ là niềm vui, vinh dự rất lớn đối với em”.

Một buổi chào cờ, hát Quốc ca của học sinh Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh.
Một buổi chào cờ, hát Quốc ca của học sinh Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh.

 

Chào cờ là tiết học đặc biệt

Trong giờ chào cờ của học sinh khuyết tật, khi khẩu lệnh chào cờ vang lên, tất cả học sinh khiếm thính đều đưa tay phải lên trước trán chào cờ còn học sinh khuyết tật vận động đồng loạt đặt bàn tay lên phía ngực trái. Đó là cách chào cờ rất riêng và là tiết học ngoài trời đặc biệt của học sinh khuyết tật.

Chào cờ đầu tuần là nghi thức thiêng liêng và chứng kiến giờ chào cờ của học sinh khuyết tật lại càng thêm xúc động. Vẫn những nghi thức trang trọng, có đội cờ và đội trống do các em khiếm thính đảm trách, nhưng không thể hát và nghe được tiếng nhạc. Học sinh khiếm thính “hát” Quốc ca bằng ký hiệu bằng tay. Các em hướng mắt về phía trước cùng giáo viên trực tuần thực hiện những động tác uyển chuyển, đồng loạt như bài “múa” ký hiệu đặc biệt. Từng từ, từng đoạn trong bài hát được diễn đạt thông qua cử chỉ bàn tay nhưng người dự vẫn cảm nhận được những đoạn cao trào, hào hùng trong bài "Tiến quân ca". Còn các em khuyết tật vận động, tuy nghe và hát được nhưng vì có em không thể đưa tay lên nên trong nghi thức chào cờ của học sinh khuyết tật đặt tay lên ngực trái để thể hiện lòng yêu nước.

"Hát Quốc ca là một trong những nội dung chính của chương trình dạy luyện nghe âm nhạc xuyên suốt từ lớp 1 cho đến lớp 5 trong giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Đối với học sinh bình thường, việc đưa tay lên chào cờ và hát Quốc ca là điều dễ dàng. Nhưng đối với học sinh khuyết tật phải kiên trì nỗ lực luyện tập. Khi vào lớp 1, 2, các em mới chỉ hát theo chứ chưa hiểu nội dung của bài hát. Để thực hiện hoàn chỉnh bài múa ký hiệu, giáo viên thường xuyên lồng ghép việc dạy ký hiệu và nghĩa của từ thông qua các mô hình, hình ảnh, từ đó các em ráp vào bài hát để hiểu", cô giáo Nguyễn Thị Nhi-Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh, cho biết.

Tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, ý thức việc tham gia lễ chào cờ đầu tuần, học viên từ những nơi xa xôi như Trà Bồng, Sơn Hà... đều đến Trung tâm sớm, mặc đồng phục chỉnh tề, xếp thẳng hàng... Sau khi tham gia vào các phần nghi lễ, giáo viên trực tuần tổng kết lại tuần qua. Nội dung trong giờ chào cờ của học sinh bình thường rộn ràng không khí thi đua, còn học sinh khuyết tật chỉ gồm các nội dung thông báo những bạn vắng học đa phần vì sức khỏe yếu, nhắc nhở cho các em biết hành vi nào chưa ngoan; tuần mới cố gắng đi học đều, ăn ngủ tốt, giữ vệ sinh lớp học và phòng ở; học sinh khiếm thính lớp lớn biết giúp đỡ các em khuyết tật vận động... Việc thực hiện chào cờ, tuyên dương đầu tuần tạo động lực giúp các em khuyết tật phấn khởi bắt đầu vào tuần học tập mới, bà Trần Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, cho hay.
 

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.