Giảm thiểu rủi ro thiên tai: Chú trọng giáo dục cộng đồng

08:03, 31/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết bất thường, khí hậu thay đổi, thiên tai diễn biến phức tạp... Những vấn đề đó đặt ra trách nhiệm cho cộng đồng xã hội trong việc nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh và giảm thiểu rủi ro.

Giúp ngư dân tránh...

Với ngư dân, quanh năm hành nghề trên biển thì không có gì đáng ngại bằng sự xuất hiện của bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Bởi, một khi gặp bão hay ATNĐ, nghĩa là phiên biển ấy ngư dân phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, và giảm lợi nhuận. “Ở giữa biển trời bao la, nếu gặp bão hay ATNĐ mà không biết chỗ tránh trú kịp thời là dễ mất mạng lắm!”, ông Huỳnh Văn Minh, thôn Tân An, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ. Vậy nên suốt thời gian hành nghề lưới chuồn, trên các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, ông Minh không bao giờ rời mắt khỏi máy Icom cộng đồng.
 

 

Bản đồ có nội dung hướng dẫn phòng tránh bão và ATNĐ, được xem là công cụ hữu ích giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai trên biển.
Bản đồ có nội dung hướng dẫn phòng tránh bão và ATNĐ, được xem là công cụ hữu ích giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai trên biển.

Tuy nhiên theo ông Minh, máy Icom chỉ hỗ trợ ngư dân trong công tác liên lạc, còn khi có bão hoặc ATNĐ thì việc theo dõi diễn biến cũng như tìm nơi tránh trú phần lớn nhờ vào sự trợ giúp của chiếc ra-đi-ô và... kinh nghiệm của mỗi người.

Thế nên, nhiều khi nghe có bão hoặc ATNĐ, ngư dân vội vã quay tàu vào bờ mà không biết rằng, hành động này vừa gây hao tổn, vừa mất an toàn vì có thể đi vào vùng tâm bão. Do đó, khi được Quỹ Hỗ trợ Phòng tránh thiên tai miền Trung, trao tặng bản đồ có nội dung hướng dẫn phòng tránh bão và ATNĐ, ông Minh tâm đắc lắm. Bởi, bản đồ không chỉ là công cụ giúp ngư dân theo dõi diễn biến, đường đi của bão, ATNĐ để kịp thời tìm nơi tránh trú an toàn, thuận tiện; mà còn hỗ trợ họ trong việc tra cứu nhanh thông tin cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Với ý nghĩa ấy, nên nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng rất mong muốn được sở hữu tấm “bùa hộ mệnh” này. Tuy nhiên, vì chỉ có 3.000 tấm bản đồ được trao tặng, nên ngư dân đã mượn nhau để phô-tô sử dụng. “Tôi không quan tâm lắm đến chuyện bản đồ. Nhưng khi nghe mấy anh em hướng dẫn sử dụng, tôi thấy cần thiết nên mượn phô-tô, mang theo trong mỗi chuyến ra khơi”, ngư dân Nguyễn Cu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.

... và trẻ em phòng

Cùng với ngư dân, thì trẻ em được xác định là đối tượng dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Do đó, bên cạnh công tác giáo dục kiến thức phòng chống thiên tai (PCTT), các kỹ năng, năng lực ứng phó với thảm họa thiên tai có thể xảy ra cho trẻ em, Quảng Ngãi cũng phối hợp với các đơn vị tiến hành khảo sát thực hiện Dự án Giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, lấy trẻ em làm trung tâm. Theo ông Nguyễn Văn Vỹ - Phó Chi cục trưởng Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên thì, thiên tai ngày càng khó lường nên thay vì tìm cách “chống”, chúng ta nên chủ động “phòng”.  Vậy nên công tác giáo dục cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức và kiến thức PCTT. Riêng đối với trẻ em, ngay từ bây giờ cần phải hướng dẫn để các em biết cách phòng và chung sống với thiên tai.  

 Ví dụ như tại huyện Nghĩa Hành. Dù là huyện trung du, nhưng theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh, địa bàn Nghĩa Hành rất khó thực hiện công tác di dời dân. Lý do, các trụ sở cơ quan, đặc biệt là trường học đều ở gần điểm lũ nên việc di dời phải thực hiện từ thôn này sang thôn kia, thậm chí phải đến xã khác nên mất rất nhiều thời gian, mức độ rủi ro vì thế cũng cao hơn. Với đặc thù này, nếu không được trang bị các kỹ năng và kiến thức phòng chống thiên tai đầy đủ, trẻ em sẽ có những phản ứng tiêu cực và hậu quả cũng sẽ rất khó lường. “Ví như giữa lúc bão mạnh, nước lũ dâng cao mà nhiều em học sinh lại rủ nhau ra đường để nghịch nước, bắt cá hay vớt củi. Hành động này không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng bản thân, mà còn gây khó cho lực lượng cứu hộ”, ông Vỹ dẫn  chứng.

Khắc phục tình trạng này, Cục phòng chống thiên tai Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ Phòng tránh thiên tai miền Trung thực hiện chương trình “Giảm thiểu rủi ro thiên tai”. Trong đó tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phòng chống thiên tai. Bởi, theo ông Nguyễn Văn Vỹ thì: “Hoàn thiện hạ tầng là điều cần thiết. Song, nếu nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên tai hạn chế thì dù hạ tầng hiện đại, rủi ro vẫn có thể xảy ra với mức độ cao mà nguyên nhân là người dân chủ quan với việc ứng phó”.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 

.