Cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho đài huyện

09:03, 03/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tên gọi của đài truyền thanh giữa các huyện, thành phố vẫn chưa thống nhất. Việc chi trả thù lao cho tác phẩm báo chí chưa được quy định cụ thể... Đó là những khó khăn tồn tại nhiều năm liền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

TIN LIÊN QUAN

Chi trả tác phẩm: Mỗi nơi trả mỗi kiểu

Việc chi trả cho các sản phẩm báo chí tại các đài huyện, thành phố hiện chưa được quy định cụ thể bằng các văn bản pháp lý. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong chi trả thù lao. Kiến nghị về vấn đề này, ông Võ Thìn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho rằng, vì tỉnh chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về chế độ chi trả thù lao cho đài huyện, xã nên địa phương không biết căn cứ vào đâu để thực hiện. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác khuyến khích cán bộ truyền thanh cơ sở tác nghiệp.


Không có văn bản pháp lý để thực hiện theo, nên hiện nay, mỗi đài truyền thanh huyện, thành phố thực hiện chi trả thù lao theo một cách. Hơn nữa, mức chi trả thù lao cho các sản phẩm báo chí tại đài huyện, thành phố khá thấp, khiến cán bộ đài truyền thanh cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong tác nghiệp. Tại Đài truyền thanh huyện Tư Nghĩa, một tin phát thanh được trả từ 15 – 20 nghìn đồng, tin phản ánh, tường thuật, thu thanh được trả từ 90 – 100 nghìn đồng, bài được trả từ 55 – 65 nghìn đồng. Còn tại Đài Truyền thanh – phát lại truyền hình huyện Minh Long, một tin phát thanh được trả từ 12 – 18 nghìn đồng, tin thu thanh được trả 30 nghìn đồng và bài được trả từ 40 – 65 nghìn đồng.
 

Nhập nhằng tên gọi


Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 đài truyền thanh cấp huyện, thành phố đang hoạt động. Song, tên gọi của 14 đài truyền thanh này lại chưa nhất quán. Nếu như đài huyện Đức Phổ, Tư Nghĩa có tên gọi là đài truyền thanh, thì các đài huyện như Trà Bồng, Minh Long… lại mang tên là đài truyền thanh - phát lại truyền hình, nhưng chức năng, nhiệm vụ thì giống nhau.

Gỡ khó bằng cách nào?

Giải đáp những kiến nghị của đài truyền thanh cơ sở, ông Trần Cao Tánh - Phó Giám đốc Sở Thông tin&Truyền thông cho biết: “Tên gọi của đài huyện, thành phố đã được quy định rõ ràng tại Thông tư liên tịch số 17/2010/TTVL – BTTTT – BNV. Theo đó, đài huyện, thành phố được gọi là đài truyền thanh – truyền hình hoặc đài truyền thanh huyện, thành phố. Tên gọi đài truyền thanh – phát lại truyền hình đã không còn phù hợp. Vì vậy, các đài huyện phải tham mưu cho UBND các huyện làm tờ trình gửi UBND tỉnh xin đổi tên theo đúng quy định”.

Riêng về chế độ thù lao cho các sản phẩm báo chí tại đài huyện, thành phố thì theo ông Trần Cao Tánh, đây là một vướng mắc tồn tại đã lâu nhưng vẫn chưa thể giải quyết. Bởi theo Nghị định 61/2002/NĐ – CP về chế độ nhuận bút, thì cán bộ của đài huyện lại không thuộc phạm vi áp dụng của nghị định. Vì đài huyện, thành phố chỉ thực hiện chức năng là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền huyện, thành phố chứ không được công nhận là cơ quan báo chí. Chính vì lẽ đó nên việc chi trả thù lao cho sản phẩm báo chí tại các đài huyện, thành phố không được gọi là chi trả nhuận bút và chưa được quy định cụ thể, rõ ràng bằng văn bản luật. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể về mức thù lao cho đài huyện, thành phố, đài truyền thanh xã... để các địa phương có căn cứ thực hiện.


Bài, ảnh: Ý THU


 


.