Bỏ nghề hay sống trong ô nhiễm?

08:03, 02/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nỗi niềm của gần 80 hộ dân làm nghề bún truyền thống ở thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa). Họ đã nhiều lần bày tỏ tâm tư, chính quyền huyện Tư Nghĩa cũng đã hứa, cơ quan thông tin đại chúng đã nhiều lần phản ánh... nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý thỏa đáng.

TIN LIÊN QUAN

Nghề truyền thống

Theo người dân địa phương, nghề làm bún ở đây đã có cách đây hơn 100 năm. Lúc mới hình thành chỉ với 4-5 hộ và theo thời gian, số hộ làm nghề ngày càng tăng, làm nên địa danh "Xóm bún". Là một trong những gia đình làm bún lâu đời nhất ở xóm, ông Lê Quang Minh (77 tuổi), cho biết: “ Gia đình tôi đã 3 đời gắn bó với nghề này rồi đấy!”. Cũng chính vì có truyền thống lâu đời nên từ trước đến nay, hầu hết các công đoạn sản xuất bún đều được các hộ dân làm thủ công. Chính vì thế, bún ở Phú Mỹ được xem là ngon có tiếng ở Quảng Ngãi, luôn được các thương lái, người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình một ngày, xóm bún cung cấp hơn 12 tấn bún ra thị trường, riêng những ngày lễ Tết số lượng bún tăng lên gấp đôi.

Gần 80 hộ dân thôn Phú Mỹ đang sống bằng nghề làm bún.
Gần 80 hộ dân thôn Phú Mỹ đang sống bằng nghề làm bún.



Là nghề khá vất vả vì phải thức xuyên đêm làm việc để kịp cung ứng bún ra thị trường vào buổi sáng sớm, thế nhưng vì là nghề truyền thống và mang lại thu nhập khá ổn định nên các hộ dân nơi đây đều gắn bó với nghề. Có thâm niên làm bún hơn 25 năm, chị Cao Thị Thanh Thúy cho biết: “Thường 1kg gạo sẽ cho ra 2kg bún, trung bình 100kg bún tươi thì mất hơn 4 giờ để sản xuất. Dù tốn nhiều công sức, lợi nhuận cũng không cao, chủ yếu là lấy công làm lời nhưng tận dụng được sản phẩm thừa từ sản xuất bún để chăn nuôi, nên cũng phát triển được kinh tế gia đình”. Cũng như gia đình chị Thúy, đại đa số các hộ dân làm nghề bún ở đây đều chăn nuôi heo, trung bình mỗi hộ nuôi hơn 40 con. Vì thế, kinh tế của bà con nơi đây cũng nhờ thế mà ngày càng khấm khá hơn.

Bao giờ hết ô nhiễm?

Bên cạnh những mặt tích cực mà nghề sản xuất bún mang lại thì tình trạng hôi thối, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn đề nan giải đối với người dân. Ông Nguyễn Công Binh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cho biết: Hiện nay, có hơn 50% hộ dân của xóm bún đã lắp đặt, sử dụng hệ thống hầm xử lý biogas để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng vì không nắm bắt được quy trình kỹ thuật, cần nhiều tiền để đầu tư hệ thống xử lý nên đa số các hộ dân đều làm hầm biogas thô sơ, tình trạng tràn, nứt vỡ, hư hỏng thường xuyên xảy ra nên vấn đề ô nhiễm không giải quyết được triệt để. Dù địa phương thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền đến người dân làm nghề phải biết giữ gìn vệ sinh môi trường, nhưng để giải quyết triệt để, bền vững thì cần có sự định hướng, trợ giúp của cấp trên. Được biết, xã Nghĩa Mỹ cũng đã có tờ trình lên UBND huyện Tư Nghĩa về việc quy hoạch làng nghề bún truyền thống, nhưng vẫn chưa được thông qua.

Nghề bún ở Phú Mỹ là một nghề đặc trưng, gắn liền với cuộc sống của người dân từ nhiều đời nay, thế nên việc gìn giữ, phát triển và xây dựng, quy hoạch làng nghề là vô cùng cấp thiết, nhằm đảm bảo cho sự phát triển làng nghề mang tính lâu dài, bền vững và thân thiện với môi trường. Ông Lê Quang Minh khẩn thiết: Nhà tôi cũng dùng hầm biogas nhưng không thể nào xử lý hết được chất thải, nhiều khi bị tràn ra, gây hôi thối cũng đành chấp nhận. Sợ nhất nguồn nước uống bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, đến thế hệ sau. Chúng tôi rất mong Nhà nước tìm ra giải pháp nào đó, để chúng tôi vừa phát triển được nghề truyền thống mà môi trường vẫn được đảm bảo.
 

Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.