Bệ phóng cho hôm nay

09:03, 24/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã 41 năm rồi, nhưng ký ức về những ngày dùng mưu lược để bao vây, chốt chặn, quét sạch bóng quân thù, giải phóng hoàn toàn Quảng Ngãi vẫn còn in đậm trong tâm khảm những người lính năm xưa. Những cống hiến của họ là cơ sở, nền tảng để Quảng Ngãi có được như ngày hôm nay.

Ký ức khó quên

Đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Nguyễn Đức Tấn (nguyên là Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng Tỉnh đội-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94) vẫn còn khá minh mẫn. Cứ đến những ngày tháng 3 lịch sử, ông lại bồi hồi nhớ đến những chiến công hào hùng của quân và dân ta năm xưa. Ông kể: Ngày đó, giải phóng Quảng Ngãi như một tất yếu lịch sử. Bởi lúc bấy giờ, địch hoảng loạn, tháo chạy ra khỏi Tây Nguyên, Quảng Trị và nhiều nơi khác trước sự tấn công dồn dập, quyết liệt của quân và dân ta.

Con đường phía đông mở rộng là điều kiện thuận lợi cho thành phố Quảng Ngãi phát triển về phía biển.
Con đường phía đông mở rộng là điều kiện thuận lợi cho thành phố Quảng Ngãi phát triển về phía biển.


Đến 20 giờ ngày 24.3.1975, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Ông Tấn bộc bạch "Ngày 24.3.1975, mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến của Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh. Từ đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Quảng Ngãi cùng với nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Bứt phá đi lên

Nhìn lại 41 năm sau ngày giải phóng, quãng thời gian không dài so với chiều dài lịch sử, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà có thể tự hào về những thành tựu to lớn đã đạt được. Trên các huyện miền núi  Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng... những cánh rừng ngày xưa che bộ đội, bị bom mìn tàn phá, nay đã phủ xanh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Ở huyện Sơn Tây, ngoài phát triển cây nguyên liệu, vùng đất này còn có công trình thủy điện Đăkđrinh, tạo nguồn thu ngân sách cho huyện hàng tỷ đồng mỗi năm. Nơi đây còn có trục đường Đông Trường Sơn đi qua, tạo điều kiện cho kinh tế, văn hóa phát triển. Ông Lê Văn Tùng – Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết: Đến năm 2015, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt trên 409 tỷ đồng, đạt 101% Nghị quyết đại hội đảng bộ huyện đề ra. Trẻ em đến trường đúng độ tuổi, mạng lưới trường lớp từng bước hoàn thiện, trang thiết bị dạy học được tăng cường đầu tư...

Nếu như các huyện miền núi dựa vào lợi thế phát triển cây nguyên liệu thì ở phía bắc tỉnh là huyện Bình Sơn nhờ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã góp phần làm thay đổi đáng kể cuộc sống người dân. Đến cuối năm 2015, tổng giá trị sản xuất đạt trên 4.245 tỷ đồng, bằng 110,85% kế hoạch năm; tăng 21,78% so với năm 2014...

TP. Quảng Ngãi - cách đây 41 năm trước, là một thị xã ngổn ngang, nhỏ hẹp... nay đã phát triển khá sầm uất, trở thành thành phố loại 2. Nơi đây thực sự là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Phía tây của thành phố giờ là KCN Quảng Phú với hàng chục nhà máy, xí nghiệp hoạt động nhộn nhịp, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhiều tuyến đường trong thành phố được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện để phát triển thương mại, dịch vụ. Nhờ đó, đến năm 2015, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt trên 44.500 tỷ đồng, tăng trên 13% so với năm 2014. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 11,8%. Cựu chiến binh Trịnh Kim, hiện ở tổ 19, phường Nghĩa Lộ phấn khởi trước những đổi thay của thành phố Quảng Ngãi nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung sau 41 năm giải phóng, chia sẻ: Đời sống người dân và kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển. Kết quả này là nhờ Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội đúng đắn sau ngày thống nhất đất nước.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.