Xanh biếc một miền quê...

03:02, 25/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bên núi, bên sông, giông đất chênh lệch, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) ở đầu nguồn sông Vệ bốn mùa luôn phủ một màu xanh biên biếc…

Đa tầng màu xanh non

Tiết trời lập xuân, đi dọc con đường ngược ven sông Vệ hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn dải đất xanh và dòng sông biếc, lòng như lắng đọng. Từ cầu Cộng Hòa, phóng tầm mắt ra xa nhìn những dải đất phù sa dọc theo con sông mới cảm nhận hết màu xanh đa tầng của cà, của đậu, bắp và cỏ non trải đều trong nắng xuân. Phía bên trên con đường bê tông là màu xanh mơn mởn của lúa đang thì con gái. Xa xa là những khu rừng xanh đã vươn chồi non, lộc biếc...

 

Hàng cây lâu năm ven đường tạo một viền xanh ôm lấy con đường trông thật yên bình…
Hàng cây lâu năm ven đường tạo một viền xanh ôm lấy con đường trông thật yên bình…


Trên những cánh đồng, ngọn đồi, người dân tranh thủ bón phân cho lúa, thu hoạch rau màu để kịp buổi chợ cuối năm. Trên đôi quang gánh của các mẹ, các chị nặng trĩu những bó rau lang, lọn cải, ngọn rau bí xanh mướt trong buổi chợ hôm. Chợ ngày Tết ở xã Hành Tín Đông thật nhộn nhịp, với nhiều âm thanh, màu sắc bánh kẹo, quần áo được bày bán. Màu xanh chủ đạo ở chợ quê này vẫn là màu xanh của rau, màu, hoa trái... được sản xuất từ cuộc sống cần lao của người miền ngược ven sông Vệ. Đi dọc con đường bê tông qua những cánh đồng Nhơn Lộc 1, Khánh Giang, Trường Lệ… được chạm vào những gam màu xanh non được phân tầng hai bên đường của cây trái, rau màu làm lòng người nôn nao. Hai bên đường, người dân trồng cây lâu năm như sao đen, xà cừ... tạo một viền xanh mềm mại ôm lấy con đường bê tông.

Nối với những hàng cây lâu năm là những cánh đồng cỏ xanh thẳm, là nguồn thức ăn bốn mùa cho đàn bò lai sind chiếm lớn nhất nhì tỉnh. Trong mỗi tấc đất ven sông Vệ, hàng năm mùa mưa lũ về bồi đắp một lượng phù sa khá lớn nên bà con đã không bỏ trống một khoảnh nào. Dưới những rặng tre xanh rì, mát lạnh ôm lấy triền sông, ông Lê Tấn Khoa thôn Thiên Xuân, cho hay: “Đất nơi đây tuy màu mỡ, nhưng đây là khúc eo của con sông Vệ nên hằng năm vùng đất này được bồi đắp phù sa, nhưng dòng nước cũng khoét đi một lượng đất khá lớn. Cứ sau Tết Nguyên đán, nước cạn dòng là bà con bắt đầu trồng tre. Năm nào cũng vậy, cứ hết lớp đến lớp, tre già, măng mọc, nên lâu ngày hàng tre trở thành lũy, che chắn xóm làng trong mùa mưa. Mùa nắng thì tạo bóng mát cho con đường…”.

Nền tảng xây dựng du lịch

Ở xã Hành Tín Đông, người làng không chỉ đồng lòng dựng xây một không gian xanh, mà còn giữ được tính cách ôn hòa, thanh lịch trong mỗi nếp nhà. Có lẽ cũng từ tính cách này mà khi xây dựng ranh giới của xã, người dân đã đồng tình xây dựng hình tượng người làng khác lạ với nhiều nơi khác. Từ đỉnh đèo Đá Chát (Quốc lộ 24) rẽ về đường 624 sẽ bắt gặp một bảng panô vẽ hình người con gái mặc áo dài, che nón lá thùy mị, với câu chào lịch thiệp: Kính chào quý khách! Tấm panô vô tri, vô giác nhưng khi nhìn hình ảnh và đọc dòng chữ như chạm vào trái tim mọi người. Ông Đào Thanh Công - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, khẳng định: Đó là hình ảnh người dân nơi đây nói riêng và người Nghĩa Hành nói chung. Người làng vẫn lưu một nét văn hóa truyền thống của quê hương. Họ mộc mạc, đơn giản, không cầu kỳ, chân thành nhưng không yếu đuối, ủy mị… Chính sự gan dạ, mạnh mẽ mà trong chiến tranh dân bám trụ che chở, bảo vệ lực lượng cách mạng để rồi trong số họ đã ngã xuống hy sinh trong vụ thảm sát khốc liệt vào ngày 18.4.1969.

Với phong cảnh hiền hòa, thơ mộng, trong lành, xã Hành Tín Đông đã đề xuất lên huyện xây dựng khu du lịch sinh thái suối Chí để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. “Con suối này quanh năm đầy nước là nhờ cánh rừng nguyên sinh còn được bảo vệ trên 1.000 ha. Phong cảnh còn nguyên sơ. Đây còn là điểm di tích ghi dấu của đội quân Hoàng Hoa Thám (một đại đội của đội quân du kích Ba Tơ ngày ấy), có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái”, ông Đào Thanh Công bộc bạch. Trước mắt, xã đã xây dựng 2km đường bê tông chạy dài đến tận lưng chừng con suối. Dọc tuyến đường 624 thuộc thôn Khánh Giang, Trường Lệ, xã đã trồng thêm  400 cây sao đen, xà cừ, với niềm mơ ước tạo một không gian xanh ở vùng đất bên núi, bên sông đầy hữu tình này.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.