Vẹn nguyên một tình yêu...

10:02, 09/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Yêu Tổ quốc, trọng nghĩa vợ chồng, bà đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để đợi chồng trong những năm tháng dài hoạt động cách mạng. Thế rồi, số phận thật nghiệt ngã, biết chồng không thể có con nhưng bà vẫn một lòng thủy chung chăm lo, tạo bến đỗ bình yên cho chồng đến hơi thở cuối cùng. Đó là bà Phạm Thị Thiêu (người Hrê) thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).

Những ngày này, giới trẻ trong làng bận rộn lo chuyện lên nương, xuống đồng và dệt thổ cẩm. Ngôi nhà của bà Thiêu nằm trên đầu con dốc, hàng ngày vẫn có bà con hàng xóm, phụ nữ, con gái đến học dệt thổ cẩm. Năm nay bà đã hơn 70 tuổi, nhưng vẫn nhanh nhẹn, thuần thục bên khung cửi dệt vải. Cẩn thận từng đường dệt, bà Thiêu bộc bạch: Nếu ông ấy (chồng) còn sống thì giờ này chiếc khăn quàng cổ đã dệt xong. Ngày còn sống, mỗi khi Tết về ông vẫn thích có một chiếc khăn mới, thế là tôi ngồi dệt. Giờ ông ấy đã đi xa, nhìn khung cửi tôi lại nhớ đến thuở nào…”.

Những ngày xa chồng, mí Thiêu lại vui với niềm vui dệt vải thổ cẩm truyền thống.
Những ngày xa chồng, mí Thiêu lại vui với niềm vui dệt vải thổ cẩm truyền thống.


Bà  chính là vợ của nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Quốc ASoi. Cả cuộc đời ông Quốc ASoi theo cách mạng. Bà đến với ông cũng trong thời buổi cả nước lên đường chiến đấu. Mối tình của hai người nẩy nở ở rừng sâu, khi thì chia nhau miếng cơm nhạt, bát canh rau rừng, con ốc suối, khi trao nhau những ánh mắt, nụ cười. Nhắc đến ông biết bà buồn lắm, nhưng khi kể chuyện xưa, bà vẫn thẹn thùng như thuở nào: “Hồi đó, mình không biết chữ, ổng (chồng) làm cán bộ, ai dám ưng, nhưng tình cảm đến lúc nào không biết nữa. Đến khi cả tổ chức biết hai cái bụng chúng tôi thương nhau thì tổ chức nấu cháo một con gà để làm lễ”.

Trở thành vợ chồng, ở bên nhau chưa quen hơi thì ông Quốc ASoi phải đi làm nhiệm vụ của tổ chức giao phó. Lúc thì ông ở Minh Long, khi ở Quảng Ngãi, khi ở tận nguồn sông Re, khi làm việc ở Huyện ủy Ba Tơ. Cuộc đời ông kinh qua khá nhiều chức vụ quan trọng của các huyện miền núi, nay đây. Cuộc sống vắng chồng, vắng tình yêu thương lứa đôi, thế mà, bà vẫn không lấy làm buồn. Nỗi nhớ chồng bà chôn vùi vào trong, tập trung vào sản xuất lúa nước, chăn nuôi... Ngần ấy năm xa cách là ngần ấy năm thương yêu chờ đợi. Bà trở thành chỗ dựa vững chắc cho ông trong những năm dài công tác. Thế mà, số phận thật nghiệt ngã, ông vẫn không thể cho bà một người con để an ủi khi chồng xa vắng.

Bà Thiêu bảo: Nhiều khi cũng rất buồn, nhưng biết chồng lo việc nước, yêu nước cũng chính là yêu mình. Không có con thì còn nghĩa vợ chồng…Mỗi lần rỗi việc, nhớ ông, bà lại lấy khung dệt để làm bạn. Mỗi đường chỉ, mỗi hoa văn họa tiết mí gửi trọn tâm tình.  Khi đất được bình yên, cuộc sống nhân dân Ba Tơ có phần ổn định, ông Quốc ASoi hết tuổi công tác mới được về bên bà sống đúng nghĩa tình vợ chồng. Cuộc sống ông bà bên nhau chưa bao lâu thì ông đã ra đi sớm, trong tình yêu thương đầy ắp bà dành cho ông. Quệt những giọt nước mắt, bà bảo: “Năm tháng cực khổ thì có nhau, vợ chồng không bao giờ có lời qua, tiếng lại. Giờ cuộc sống có phần khá hơn thì ông đã đi rồi...”. Yêu ông, hằng ngày bà Thiêu thực hiện lời ông dặn là, cố gắng giữ gìn nghề dệt truyền thống ở làng. Bà tận tụy chỉ dạy cho các cháu ở xóm cách dệt thường, dệt hoa văn họa tiết để có nghề mưu sinh.

Chị Phạm Thị Ty đang ngồi dệt áo, khố bên bà bộc bạch: “Nếu không có những người như bà Thiêu thì bọn trẻ chúng tôi không thể biết dệt. Dệt thường đã khó, dệt đường nét hoa văn, họa tiết càng khó hơn, lâu hơn nhiều”. Ngoài học nghề dệt, chị Ty và chị em phụ nữ trẻ trong xóm, xem gia đình, cách sống trọn nghĩa vợ chồng, của bà Thiêu như một hình mẫu để noi theo.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.