Sau Tết là cuộc mưu sinh...

02:02, 17/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Năm nào cũng vậy, sau những ngày sum vầy ăn Tết bên gia đình, làng xóm, nhiều người ở khắp các miền quê lại hối hả “Nam tiến” mang theo nỗ lực làm việc, để những mùa đoàn viên sau thêm ấm no, hạnh phúc. Song, bên cạnh những người chọn con đường "ly hương" để mưu sinh thì cũng có không ít người ở lại quê tìm việc làm ở các doanh nghiệp đứng chân ngay trên mảnh đất quê hương mình.
 
Kẻ "ly hương"…
 
Đến hẹn lại lên, sau những ngày Tết đoàn viên, tại nhà ga, bến xe, hay dọc theo tuyến Quốc lộ 1 qua các địa bàn trong tỉnh, chúng ta lại chứng kiến cảnh nhiều người dân ôm hành lý, đồ đạc dắt díu nhau "ly hương" để tiếp tục cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người. Trong hành lý của họ mang theo trên vai, ngoài những đồ dùng cá nhân và  một ít bánh mứt ngày Tết gói ghém mang theo, còn có cả niềm hy vọng xen lẫn những lo toan…
 
Đứng chờ xe vào TP. HCM cùng chồng trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Phổ Cường (Đức Phổ), chị Huỳnh Thị Thanh Tuyền (40 tuổi) ở xã Phổ Cường tâm sự: Là nông dân chẳng ai muốn xa quê, nhưng tất cả cũng chỉ vì cuộc sống gia đình còn khó khăn, trong khi đó lại phải lo cho hai con đang tuổi ăn, tuổi học nên hai vợ chồng tôi đành gửi con ở lại quê cho ông bà chăm nom giúp để vào TP. HCM bán vé số. Mặc dù cuộc sống khó khăn đủ bề, nhưng cũng đỡ vất vả hơn so với việc “bám” vào mấy sào ruộng. 
 
"Hơn 5 năm vào Nam mưu sinh, năm nào 2 vợ chồng về cũng chỉ gặp con được mấy ngày Tết rồi lại đi, buồn lắm, nhưng biết làm sao.  Bởi ở quê, mình không có nghề nghiệp trong tay nên kiếm việc làm thì rất khó, trong khi đó làm nông nghiệp thu nhập bấp bênh, có năm thiên tai bão lũ thì chịu cảnh trắng tay”- nói với chúng tôi mà khóe mắt chị Tuyền đỏ hoe. 
 
Sau Tết, người lao động lại
Sau Tết, người lao động lại "ly hương" vào Nam mưu sinh
 
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Thơm (60 tuổi) cũng đang tiễn đứa con gái lớn vào TP. HCM làm việc. Đây là năm thứ 6, chị Sương- con gái bà Thơm vào TP. HCM làm công nhân may ở Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Bình. Chị mới về quê ăn Tết hôm 25 âm lịch, nay đã phải lên đường vào Nam. “Lần về quê nào cũng vậy, tôi chỉ ở nhà được vài ngày Tết để thăm hỏi cha mẹ, chúc Tết họ hàng, xóm giềng. Bây giờ phải lật đật vào TP. HCM để chuẩn bị cho công việc sắp tới. Thật lòng là muốn được ở thêm vài hôm nữa nhưng không thể”- chị Sương chia sẻ. 
 
Bà Thơm dù rất muốn con ở quê làm nông rồi sớm xây dựng gia đình nhưng vì gia cảnh khó khăn nên đành phải để con gái ra đi. Bố bệnh nằm  một chỗ, 4 chị em Sương tần tảo đùm bọc làm lụng cùng với mẹ nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn đeo bám mãi. Học xong phổ thông, Sương vào TP. HCM làm công nhân để kiếm tiền phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống và lo cho 3 đứa em ăn học. 
 
“Muốn nó ở nhà lắm vì thân gái một mình nơi đất khách quê người. Nhưng nhà có vài ba sào ruộng khô cằn, cả năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng không đủ ăn nên đành cho nó đi thôi”- vừa cầm tay Sương, bà Thơm nói với chúng tôi. 
 
Những chiếc xe khách nối đuôi nhau đưa hàng ngàn lao động rời quê
Những chiếc xe khách nối đuôi nhau đưa hàng ngàn lao động rời quê.
 
Thực tế, với những người chọn con đường ly hương để mưu sinh, những ngày xuân của họ chưa bao giờ trọn vẹn. Suốt một năm lao động vất vả nơi đất khách quê người với đủ nghề từ bán vé số, làm công, bán hủ tiếu đến làm công nhân... để lo cái ăn, cái mặc, họ tích cóp để có ít tiền trở về quê vui ba ngày xuân như mọi người. Khi ba ngày xuân vừa trôi qua thì cũng là lúc phải xa quê, bắt tay vào công việc mưu sinh với ước vọng điều lành đến, cuộc sống mới được hạnh phúc, đủ đầy hơn. 
 
Cho đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lao động nông thôn đã “ly hương” tìm việc, nhưng theo ước tính, trên địa bàn tỉnh hằng năm có đến hàng chục nghìn người lao động vào Nam mưu sinh. Miền Nam dường như trở thành “miền đất hứa” và như một cứu cánh thực sự cho lao động nghèo. Và, trong số hàng ngàn người “Nam tiến” tìm việc làm, không mấy người có chuyên môn để kiếm được việc làm ổn định, có cơ may "đổi đời", rất nhiều người phải chấp nhận cuộc mưu sinh nhọc nhằn. 
 
…người chọn ở quê
 
Cùng với làng sóng “ly hương” vào Nam để mưu sinh, thì trong những năm gần đây có không ít lao động sau khi trở về quê ăn Tết, họ chọn ở lại quê để tìm một công việc mới tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo lý giải của họ, vào Nam đi lại vất vả, tốn kém, chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ, còn ở quê thu nhập dù thấp hơn, nhưng được gần gia đình, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày ít hơn. 
 
Hơn 3 năm làm công nhân may tại KCN Sóng thần Đồng Nai, chị Trần Thị Thanh Thủy ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) nhận mức lương 4 triệu đồng/tháng. Song, khoản lương nhận được hàng tháng trừ chi tiêu hàng ngày, gom góp, tiện tặn lắm chị mới có khoản dư chút ít gửi về quê. Chính vì thế, sau Tết này, chị Thủy không tiếp tục vào công ty làm việc nữa mà quyết định ở lại quê để tìm công việc mới, phù hợp cho mình ở các KCN trong tỉnh. 
 
“Ở quê mình bây giờ, công ty, xí nghiệp cũng đã mở nhiều, nên mình ở quê nhà làm công nhân may sướng hơn, mức lương không thấp hơn là bao, lại không phải tốn tiền thuê trọ, chi phí cuộc sống cũng thấp hơn ...do có nhiều thứ tận dụng được của gia đình, được ở gần anh em, họ hàng”- chị Thủy chia sẻ.
 
Cũng chọn con đường ở lại quê để  lập nghiệp sau hơn 5 năm mưu sinh ở Sài Gòn, anh Nguyễn Văn Bình ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) dự định sẽ xin vào làm việc ở Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP ở gần nhà để thuận tiện cho việc chăm sóc con cái. 
 
“Làm việc ở quê tuy thu nhập không cao bằng trong Nam, nhưng được cái gần nhà nên có thời gian chăm sóc gia đình, dạy bảo con cái. Ngoài ra, mình còn có phát triển chăn nuôi tại gia đình để có thêm thu nhập, nên so ra được hơn nhiều và mức tích lũy cũng cao hơn”- anh Bình cho biết. 
 
Sự phát triển của các KKT, KCN..trong tỉnh mở ra cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương
Sự phát triển của các KKT, KCN..trong tỉnh mở ra cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhu cần tìm việc làm ở ngay chính quê hương đang là nhu cầu bức thiết của nhiều lao lao động “ly hương”. Thực tế thời gian qua, các KKT, KCN… trong tỉnh phát triển đã thu hút và giải quyết việc làm cho người nhiều lao động địa phương. Song, trong bức tranh chung, thì tình trạng người lao động chọn con đường “Nam tiến” để tìm việc ở vẫn còn ở mức khá cao. 
 
Để “níu chân” lao động ở lại quê, nhiều người cho rằng, các cấp, ngành chức năng cần có biện pháp hiệu quả hơn, nhất là cung cấp những thông tin chính xác về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng…. Bởi, có không ít những trường hợp các  công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh không tuyển được nguồn lao động có tay nghề tại chỗ, thiếu hụt nguồn lao động, trong khi đó, người lao động lại không nắm được thông tin tuyển dụng và các chế độ đãi ngộ…nên đành phải “ly hương” để mưu sinh. 
 
Quảng Ngãi đang đẩy mạnh chủ trương cải thiện môi trương đầu tư kinh doanh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Chính vì vậy, cùng với những tiềm năng, lợi thế của KKT Dung Quất và các KCN, Cụm Công nghiệp, làng nghề hiện có trên địa bàn; đặc biệt, việc hình thành khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi hứa hẹn góp phần rất lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, làm đòn bẩy để phát triển ngành công nghiệp Quảng Ngãi trong tương lai.
 
Hy vọng trong thời gian đến, với sự phát triển này, nhiều cơ hội việc làm nữa lại được mở ra cho người lao động trong tỉnh, và tình trạng “ly hương” kiếm việc làm nơi đất khách của lao động nông thôn sẽ ngày một giảm đi. 
 
Bảo Khánh
 

.