Kỷ vật của Mẹ

03:02, 12/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh qua đi, những vết thương trên thịt da đã lành, nhưng nỗi đau mất đi những người thân chưa bao giờ nguôi trong lòng các Mẹ. Ở tuổi xế chiều, các Mẹ lại nhớ về những đứa con của mình hơn. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Bính, ở thôn 2, xã Đức Tân (Mộ Đức) cũng vậy. Mẹ có 6 người con, nhưng có đến 5 người mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Nỗi đau ấy không thể nào vơi đi trong lòng Mẹ. Kỷ vật duy nhất Mẹ còn giữ được, đó là chiếc áo gối của người con trai đầu...

Xuân này, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Bính bước sang tuổi 92, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng hôm chúng tôi ghé thăm trông Mẹ vẫn khỏe và khá minh mẫn. Mặc cho cái se lạnh của tiết trời chớm xuân, ngày nào Mẹ cũng mang ghế ngồi trước hiên nhà, dõi mắt về xa xăm như mong đợi điều gì. Bà Huỳnh Thị Cam (60 tuổi), con út của Mẹ, giãi bày: Tết đến, Xuân về, mọi người đoàn tụ, sum vầy bên gia đình, còn Mẹ có đến 6 lần sinh nhưng giờ cũng còn mình tôi, nên có lẽ Mẹ đang nghĩ về các con đã hy sinh.

 

 Mặc dù không được làm con dâu của Mẹ Bính, nhưng chị Hạnh vẫn dành cho mẹ một niềm tôn kính sâu sắc. Còn Mẹ Bính luôn xem chị Hạnh là con dâu trưởng của mình.
Mặc dù không được làm con dâu của Mẹ Bính, nhưng chị Hạnh vẫn dành cho mẹ một niềm tôn kính sâu sắc. Còn Mẹ Bính luôn xem chị Hạnh là con dâu trưởng của mình.

 

Thời gian trôi qua, chiếc áo gối đã bạc màu, sờn cũ, nhưng tên anh Huỳnh Tấn Khả vẫn còn đó. Mẹ Bính gìn giữ đặt bên cạnh mình cho đến ngày 8.8.1994, Mẹ gửi tặng chiếc áo gối cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Chiếc áo gối được đặt trang trọng trong Phòng trưng bày "Mẹ Việt Nam Anh hùng".

Nỗi đau ấy dẫu không bao giờ nguôi, song trong lòng Mẹ tự hào về các con của mình, vì sự hy sinh đó đã góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những tấm hình các con của Mẹ đặt trên bàn thờ, dù hy sinh ở tuổi đôi mươi nhưng đều luôn rạng ngời một niềm tin tất thắng.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Mẹ Bính lấy tấm hình chiếc áo gối được đóng khung trang trọng, kể: "Đây là kỷ vật duy nhất của thằng Khả để lại. Cái gối là chứng nhân cho câu chuyện tình yêu của anh cả với người vợ sắp cưới tên Nguyễn Thị Hạnh".

Theo Mẹ Bính, anh Khả và chị Nguyễn Thị Hạnh quen nhau trong một lần họp mặt giữa thanh niên hai xã Phổ Văn và Phổ Thuận vào năm 1966. Lần gặp đó, anh chị đã phải lòng nhau. Sau nhiều lần cùng làm nhiệm vụ bên nhau, anh Khả đã mạnh dạn bày tỏ tình cảm của mình và được chị Hạnh đáp lại. Nhưng rồi, chiến tranh khốc liệt, địch càn quét từng con xóm nhỏ. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh Khả bị địch bắt và giam ở nhà lao Quảng Ngãi.

Trong thời gian anh Khả bị giam, chị Hạnh vẫn một lòng chung thủy. Chị hăng hái tham gia kháng chiến. Nơi chị đóng quân là thôn Văn Trường, xã Phổ Văn cũng là quê hương của anh Khả. Sau đó, cách mạng chiếm được nhà tù, anh Khả cùng nhiều chiến sĩ cách mạng được giải thoát. Anh quay về Phổ Văn hoạt động cách mạng, rồi hai người gặp lại và  nguyện ước xây dựng một gia đình nhỏ. "Sợ mất người con gái ngoan hiền như cái Hạnh nên gia đình tôi đem sính lễ qua xin hỏi cưới. Hai gia đình quyết định đến ngày đất nước thống nhất sẽ tổ chức đám cưới cho hai con, thế mà...", Mẹ Bính xúc động, kể.

Năm 1968, địch lại mở cuộc càn quét dã man, chị Hạnh bị bắt trong lúc làm nhiệm vụ và nhốt giam ở nhà lao Phú Tài (Bình Định). Từ giây phút ấy, anh chị không còn gặp lại nhau. Trong thời gian bị giam, chị thêu một đôi áo gối có hình chậu hoa hồng cùng cặp bướm tím và tên của hai người trên mỗi chiếc. Một lần mẹ ruột vào thăm, chị nhờ mẹ đem về đưa cho anh Khả. Nhận được chiếc áo gối anh Khả luôn đem theo bên mình.

Chiếc áo gối có thêu tên
Chiếc áo gối có thêu tên "Huỳnh Tấn Khả" được Mẹ Bính tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.


Năm 1971, trong một cuộc họp cấp ủy, hầm của anh Khả bị trúng bom. Anh hy sinh trong lúc người vợ sắp cưới vẫn còn bị giam giữ. Mẹ Bính đưa khăn lau giọt nước mắt trên đôi gò má, nghẹn ngào nói: "Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, ông nhà tôi trở về từ chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị), nhưng niềm vui không trọn vẹn khi biết 5 người con của mình lần lượt hy sinh. Ông ấy ôm chiếc gối vào lòng mà đôi mắt đỏ hoe".


 

ĐĂNG SƯƠNG

 


.