Khi người dân đồng lòng

08:02, 26/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù đời sống kinh tế không giống nhau nhưng khi được "đả thông" vì việc chung mang ý nghĩa cho cả cộng đồng, nhiều người dân đã đồng lòng hiến một phần đất của mình để địa phương mở đường, xây trường... phát triển quê hương.
 
Hàng trăm người Cor cùng hiến đất

Ở xã Trà Tân (Trà Bồng) nhiều người biết việc làm ý nghĩa của anh Hồ Văn Nhiên, ở thôn Trà Ngon, khi anh tiên phong hiến 2 sào đất để xây dựng trường mẫu giáo thôn. Cũng giống như bao đồng bào Cor khác ở Trà Tân, cuộc sống của anh Nhiên chủ yếu dựa vào rẫy keo, sào mì nên còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi hay tin UBND xã đang gặp khó khăn vì thiếu đất xây trường mầm non, mặc dù dự án xây dựng đã có, anh Nhiên đã hưởng ứng ngay bằng cách hiến 2 sào đất sản xuất của gia đình cho chính quyền địa phương.
 

 

 Nhờ sự đồng lòng hiến đất của 150 hộ dân mà tuyến đường liên thôn Trà Ngon, Trà Ót đã được san ủi, mở rộng.
Nhờ sự đồng lòng hiến đất của 150 hộ dân mà tuyến đường liên thôn Trà Ngon, Trà Ót đã được san ủi, mở rộng.

Anh Nhiên chia sẻ: “Nếu mình không hiến đất xây trường thì mấy đứa trẻ vẫn phải học nhờ ở điểm trường tiểu học của thôn đã xuống cấp. Vì vậy mà, dù nhận phần thua thiệt nhưng con em của cả thôn có được chỗ học tốt thì không có gì phải do dự. Hơn nữa, sau này con mình cũng được học trong chính ngôi trường này thì vợ chồng mình cũng sẽ an tâm hơn khi lên rẫy”.  

Từ khi ngôi trường mẫu giáo thôn Trà Ngon mọc lên đã thu hút rất đông các em nhỏ đến học. Tuy trang thiết bị dạy và học không thể so sánh như các trường mầm non ở vùng đồng bằng, nhưng trường cũng đã tổ chức dạy bán trú cho hơn 40 em học sinh trong thôn. Cô Nguyễn Thị Cẩm Tú, giáo viên điểm Trường Mẫu giáo thôn Trà Ngon chia sẻ: “Tôi không ngờ là lên đây tôi lại được dạy trong một ngôi trường khang trang thế này. Cảm ơn tấm lòng của anh Nhiên đã hiến đất để thầy trò chúng tôi có được một chỗ dạy và học bề thế. Không còn phải lo cảnh bị dột ướt trong mỗi mùa mưa bão”.

Cùng với điểm trường mẫu giáo được xây khang trang, con đường dẫn về thôn Trà Ngon và Trà Ót dài hàng chục cây số đã được san ủi bằng phẳng, mở rộng hơn 5m, thuận lợi cho học sinh đến trường, người dân lên rẫy, cũng như vận chuyển nông sản. Có được con đường thoáng rộng là nhờ sự đồng lòng hiến đất của người dân trong xã. Tiêu biểu như ông Hồ Văn Nghiệp, thôn Trà Ót. Mặc dù đời sống kinh tế còn khó khăn nhưng ông Nghiệp đã nhiều lần hiến đất làm đường, giúp cho việc đi lại sản xuất của người dân thuận lợi hơn. Nói về việc làm của mình, ông Nghiệp bộc bạch: “Tuy không có tiền nhưng mình có tấm lòng. Chỉ cần mỗi người góp một chút công sức là sẽ có đường đẹp thôi. Đường to người lớn đi làm cũng sướng mà trẻ con đi học cũng đỡ vất vả. Như thế là thấy vui rồi!”

Không riêng gì anh Nhiên hay ông Nghiệp mà ở Trà Tân, phong trào hiến đất mở đường còn có trên 150 hộ dân đồng lòng hưởng ứng. Từ đất ruộng, đất vườn đến đất rẫy chỉ cần Nhà nước có chủ trương hiến đất mở đường, xây trường là người dân đồng ý ngay. Bên cạnh đó, người dân còn đóng góp công, góp sức vào việc mở đường. Tất cả đều chung sức vì việc chung. Thậm chí, có hộ dân còn tự tay đốn hạ những cây ăn quả trong vườn đang có trái, để nhường đất cho dự án. Già làng Hồ Minh Sơn nói: “Đồng bào Cor ở đây ai cũng nghèo về vật chất, nhưng tấm lòng thì rộng mở. Chỉ cần việc gì có lợi cho dân, cho việc chung là họ đều đồng lòng chung sức”.

Chuyện đồng lòng ở Phú Quý

Về thôn Phú Quý, xã Bình Châu (Bình Sơn) hôm nay, chúng ta sẽ được đi trên những con đường bê tông thẳng tắp, những bóng điện đường tỏa sáng khắp ngõ xóm, diện mạo làng chài ngày càng đổi thay, trù phú. Tết rồi, người dân thôn Phú Quý có thêm niềm vui khi kịp hoàn thành 4km điện đường để đón xuân mới. Toàn thôn có hơn 400 hộ dân, mỗi hộ đóng góp từ 1-2 công lao động và 200 nghìn đồng để làm công trình thắp sáng điện đường trên địa bàn thôn. Các công việc như mua các thiết bị điện, dựng trụ, kéo dây... đều do bà con trong thôn phân công đảm đương.

Ông Nguyễn Văn Hồng – Bí thư Chi bộ thôn Phú Quý, cho biết: Trước giờ, bà con nơi đây luôn có ý thức trong việc chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, những năm trở lại đây, nhờ biết kết hợp nghề biển và làm rẫy, trồng trọt nên đời sống của bà con trong thôn ngày càng khấm khá. Từ đó mà họ có điều kiện để chung sức cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, 100% tuyến đường của thôn đã được bê tông, ngoài những tuyến đường do nhân dân và Nhà nước cùng làm thì gần 1/3 tuyến đường còn lại đều do bà con trong thôn tự đóng góp tiền và bỏ công sức để bê tông. Bà con trong thôn đã góp hơn 2.000 ngày công lao động và gần 200 triệu đồng để mua vật liệu, bê tông hơn 1,2km đường. Không chỉ góp sức làm đường mà bà con còn cùng nhau giữ gìn, thành lập các tổ tự quản về môi trường, an ninh trật tự trên các tuyến đường quan trọng của thôn.

Đường đi rộng rãi, khang trang, diện mạo vùng quê Phú Quý ngày càng trù phú với những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau, những vườn hồ tiêu xanh bạt ngàn. Vào mùa nắng, biển yên đàn ông rủ nhau vươn khơi bám biển, còn những người phụ nữ ở nhà chịu khó, chắt chiu làm lụng, nuôi con và phát triển kinh tế gia đình. Khi biển động, mùa nông nhàn, họ lại lên rẫy, thu hoạch cà phê, tiêu… Địa phương cũng đang khuyến khích nhân dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tận dụng tối đa lợi thế đất đỏ bazan bằng việc trồng cây hồ tiêu. Hiện nay, toàn thôn đã có hơn 50 hộ trồng cây tiêu với diện tích trung bình từ 2-3 sào và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người của thôn cũng ngày càng được cải thiện, với hơn 40 triệu đồng/người/năm.

Ông Lê Văn Nguyên-  Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu, cho biết: Ý thức của người dân ở thôn Phú Quý trong việc xây dựng nông thôn mới rất cao. Họ không chỉ hưởng ứng mà còn sẵn sàng hiến đất, góp tiền, bỏ công sức để bê tông đường, thắp sáng đường quê… Những năm trở lại đây, với sự quyết tâm vươn lên, sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân nên đời sống của bà con được nâng cao, kinh tế phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn Phú Quý ngày càng tươi đẹp.

H.HOA-T.HIỀN
 

.