Cúng sao, giải hạn: Đến hẹn lại lên

07:02, 22/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Đến hẹn lại lên, cứ sau những ngày vui xuân đón Tết, người người nhà nhà lại nháo nhào tìm đến các chùa, đền, mếu, tư gia các thầy bói để xem bói, xin xăm, cúng sao, giải hạn. 

TIN LIÊN QUAN

Xô bồ nơi cửa thiêng
 
Mùng 10 tháng Giêng, khi mà nhịp sống đã trở lại bình thường thì trên khắp các nẻo đường về các ngôi chùa lớn trong tỉnh, nhiều người tay xách nách mang, đổ về để xin xăm, giải hạn.
 
Tại chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), ngay cổng chính vào chùa, có hàng chục đối tượng đeo bám, chèo kéo du khách gửi xe, mua hương, ăn xin,… Nhiều đối tượng công khai hoạt động dịch vụ giải xăm - một kiểu mê tín dị đoan thu hút rất đông người. Cảnh chen lấn, chửi bới tranh giành khách của nhóm người ăn xin diễn ra thường xuyên.  
 
Trong khuôn viên chùa, mỗi người cầm trên tay nén hương bự, mắt nhắm ghiền chắp tay khấn vái trong làn khói hương nghi ngút đến ngạt thở, từng gốc cây, góc sân vườn chùa đều bị “nhầm tưởng” là nơi thần linh “trú ngụ” nên chỗ nào cũng thấy chân hương.
 
Phía bên trong chánh điện là nơi xin xăm, vài chục người chen lấn trong không gian chật hẹp quỳ vòng trong vòng ngoài trước những ống thẻ, vừa khấn lâm râm vừa xóc liên hồi cho đến khi thẻ xăm văng ra.
 
 
Chen lấn để được xin xăm ở Chùa Ông.
Xin xăm ở Chùa Ông.
 
Sau khi bốc được thẻ xăm, họ lại kéo nhau ra các “thầy” giải xăm trước cổng chùa để xem vận mệnh của mình trong năm con Khỉ. Giá cho mỗi lần giải xăm từ 10.000- 20.000 đồng. 
 
Chẳng may, khách bắt phải quẻ xăm xấu thì theo lời “thầy” là phải tiến hành giải hạn, giúp cho gia chủ được bình an, làm ăn phát đạt, tai qua nạn khỏi. Mỗi ngày các đối tượng này kiếm tới vài triệu đồng trên sự cả tin của khách hành hương. Nhiều người sau khi nghe giải xong thẻ xăm của mình thì hớn hở, vui vẻ, nhưng không ít người mặt bí xị vì bắt được quẻ xấu.
 
Lân la làm quen với một phụ nữ khuyết tật một cánh tay, vẻ mặt buồn rầu, đang ngồi trong ghế đá sân chùa, được hay chị tên Thiện, ở tận xã Phổ Hòa (Đức Phổ). 
 
Chị Thiện tiết lộ công việc của chị là bán vé số, nhưng nay chị bỏ đi bán, đi xe buýt ra Bến xe Quảng Ngãi rồi đón xe ôm xuống đây từ lúc 9 giờ sáng để thắp hương mong thần linh phù hộ cho mình và cậu quý tử tai qua nạn khỏi.
 
 

Các thầy hành nghề giải xăm ngay trước cổng chùa.

 

Theo lời kể của chị Thiện thì chị không lấy chồng mà chỉ có một cậu con trai, vì theo đám bạn ăn chơi lêu lỏng, bỏ học, bán xe, ăn cắp tiền của mẹ lấy tiền tiêu xài rồi thường xuyên gây gổ đánh người khác sứt đầu mẻ trán. 
 
Năm qua quý tử nhà chị phải vào tù vì gây thương tích cho người khác. Vừa ra tù, con chị Thiện lại ngựa quen đường cũ. Mùng 3 Tết chị đã đi xem bói ông thầy ở quê phán một câu xanh rờn “vận mệnh” của quý tử bị sao Kế Đô, mạng chưa “thông” mấy ngày nay lòng chị như có lửa đốt. 
 
Chị Thiện bảo: Mấy chị em bán vé số truyền tai ngôi chùa này rất thiêng nên chị phải lặn lội ra đây để xin xăm rồi cúng sao, giải hạn cho hai mẹ con. Ra đến đây, lại nghe một người chỉ bảo có một ông thầy ở xã Bình Long (Bình Sơn) rất “siêu”, nhưng nghẹt cái ông này lấy công hơi đắt, nghe đâu tới 3- 4 triệu gì đấy nên mình định về chạy tiền rồi hôm sau tìm đến ông này cho chắc ăn.
 
Trong lời kể của chị Thiện, chị đau đáu vì cho rằng con mình bị xui xẻo, bị hại chứ đám trai trẻ đánh nhau gây thương tích “nhè nhẹ” là chuyện không có gì to tát đến nỗi phải ngồi tù 9 tháng trời và bồi thường đến 27 triệu đồng.
 
Một người mẹ thương con đến mù quáng, không đủ tỉnh táo để hiểu được, với kiểu anh hùng “rơm” của con mình thì việc phạm pháp chỉ là sớm chiều, không thầy bói nào có thể giúp hóa giải, thần linh nào phù hộ độ trì. 
 
 
Nơi nào có gốc cây là có chân hương.
Chỉ là gốc cây mà nhiều người cứ ngỡ thần thánh.
 
Chỉ tâm là đủ
 
Không chỉ ở chùa Ông mà hoạt động mê tín dị đoan này rầm rộ ở nhiều ngôi chùa, đền, miếu và tư gia của hầu hết các thầy bói. 
 
Theo nhà sư (xin được giấu tên) hiện đang chủ trì một ngôi chùa lớn ở TP. Quảng Ngãi, đi chùa lễ Phật, cầu nguyện cho gia đình được bình an, khỏe mạnh,... là phong tục, một nét văn hóa đẹp của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng. Trong triết lý nhà Phật, chỉ làm lễ cầu an, cầu cho quốc thái dân an chứ tuyệt nhiên không có phong tục xin xăm, cúng sao, giải hạn.
 
Nói về cúng sao, giải hạn, xin xăm và bói toán, nhà sư khẳng định: Tại ngôi chùa mình chủ trì không nhận cúng sao, giải hạn. Chẳng có lợi ích gì cả, chỉ là một hình thức mê tín, bỏ tiền đi mua nỗi lo. 
 
Việc đi chùa thắp hương là chuyện tốt, tìm sự bình an trong tâm hồn để hướng thiện, còn việc xấu tốt là do con người gây ra, gieo nhân nào gặt quả ấy. Vì vậy, người dân không nên quá tốn kém và quan trọng hóa việc những lễ này, chỉ cần tâm, tấm lòng thành, hướng thiện là đủ.
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.