Trưởng thành từ "ngôi nhà lớn"

06:01, 09/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ sự chăm sóc, thương yêu của các mẹ, những đứa trẻ bất hạnh, mồ côi cha mẹ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh đã trưởng thành, tự tin bước vào đời, có hạnh phúc trọn vẹn. Khi đã thành công, những người con ấy vẫn không quên công ơn nuôi dưỡng, họ quay về tri ân những người đã chăm sóc mình và tiếp thêm niềm tin cho các em nhỏ cùng cảnh ngộ.

TIN LIÊN QUAN

Chắp cánh những ước mơ

Chúng tôi ghé thăm gia đình nhỏ của anh Nguyễn Văn Thuận (31 tuổi) ở đường Nguyễn Thụy, phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi) vào buổi chiều đầu năm 2016. Lúc này, vợ chồng anh đang chơi đùa với đứa con nhỏ trước sân nhà. Rót ly trà nóng mời chúng tôi trong niềm vui xen lẫn nỗi buồn, anh Thuận bắt đầu câu chuyện của cuộc đời mình. Quê anh ở xã Bình Châu (Bình Sơn). Năm lên 5 tuổi, cha mẹ qua đời vì tai nạn giao thông. Anh sống với ông bà nội đã già yếu. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và ông bà anh muốn anh được học hành đến nơi đến chốn, nên đã đồng ý gửi anh vào Trung tâm BTXH tỉnh. Từ đó, anh bắt đầu với cuộc sống mới.

Anh Thuận có cuộc sống hạnh phúc bên vợ và con của mình.
Anh Thuận có cuộc sống hạnh phúc bên vợ và con của mình.
"Trung tâm được thành lập từ năm 1991, đi vào hoạt động năm 1993. Lúc đầu Trung tâm chỉ nhận nuôi trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhưng hiện nay, Trung tâm được phép nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, gồm 110 đối tượng, có 27 nhân viên phụ trách chăm sóc",  bà Cao Thị Tuyết Sa - Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh cho biết.

Mới đầu, mọi thứ đều lạ lẫm đối với anh. Những ngày đầu anh co ro một góc phòng, ngại tiếp xúc với mọi người. Các nhân viên chăm sóc có khuyên nhủ, nhưng anh vẫn không mạnh dạn. Một thời gian sau, khi quen với cách sống nền nếp ở nơi đây, anh lại cảm nhận được tình yêu thương của các mẹ (cách gọi thân thương của những đứa trẻ dành cho những nhân viên tại trung tâm) dành cho mình, nên anh dần thoát khỏi cuộc sống buồn đau vì mất cha mẹ. Anh vui vẻ hòa nhập với mọi người ở trung tâm. "Khi tôi còn nhỏ, các mẹ chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, đến tuổi đi học thì các mẹ dạy dỗ, nhắc nhở chuyện học hành. Các mẹ ân cần và thương yêu chúng tôi như con vậy", anh Thuận tâm sự.

Nhờ tình yêu thương đó, anh Thuận luôn tự động viên mình phải cố gắng phấn đấu học thật giỏi mới không phụ công nuôi dưỡng của các mẹ. Anh Thuận và những anh chị trong “ngôi nhà lớn” luôn tự giác, bảo ban nhau học tập. Suốt 12 năm học, Thuận đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và thi đậu vào ngành lọc hóa dầu của Trường Đại học Quy Nhơn. Khi vào giảng đường Đại học, anh vừa nỗ lực học tập, vừa tích cực tham gia các hoạt động của sinh viên nên dù đang ngồi trên ghế nhà trường, anh Thuận đã được kết nạp Đảng và tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi.

Cũng mồ côi cha mẹ từ lúc bé, anh Trần Ngọc Tưởng (27 tuổi) lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của các mẹ ở trung tâm. Anh sớm thấu hiểu được sự mất mát của mình nên luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Anh Tưởng chia sẻ: "Nếu mình không tự nỗ lực thì ai nỗ lực giúp mình đây. Nên từng ngày tôi luôn tự lên "dây cót” tinh thần cho bản thân, cố gắng không ngừng". Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã có việc làm ổn định ở Quảng Ngãi. "Ở Đà Nẵng có nhiều cơ hội việc làm hơn, nhưng tôi vẫn muốn về Quảng Ngãi. Tôi muốn có công việc và gia đình ở ngay tại quê hương mình và để gần hơn với nơi đã từng nuôi tôi khôn lớn", anh Tưởng cười hiền nói.

Giữ trọn ân tình

Đúng như những gì anh Tưởng, anh Thuận mong ước. Các anh đã có công việc làm ổn định. Anh Thuận hiện đang là kỹ sư tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, còn anh Tưởng làm kiến trúc sư ở một công ty tư vấn xây dựng. Mới đây anh Tưởng đã xây dựng cho mình một gia đình nhỏ. Vợ của anh là chị Lê Thị Hạnh (24 tuổi) cũng cùng lớn lên ở Trung tâm BTXH tỉnh với anh. Hiện tại, chị Hạnh đang công tác ở trung tâm để chăm sóc các em nhỏ có hoàn cảnh giống như vợ chồng chị.

Những con người như anh Tưởng, anh Thuận tuy lớn lên thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ, nhưng các anh vẫn rất tự hào vì mình đã được các mẹ ở trung tâm yêu thương. Những công việc thầm lặng của các mẹ, khiến những người con lớn lên ở trung tâm mãi mãi không bao giờ quên được. Cứ mỗi dịp Tết thiếu nhi, Trung thu, ngày Tết cổ truyền... những người con được Trung tâm nuôi dạy trưởng thành lại quay về thăm, tặng quà và động viên, tiếp thêm niềm tin cho những em nhỏ có hoàn cảnh giống mình. Anh Thuận cho biết: "Sắp tới tôi có dự định sẽ thành lập một nguồn quỹ hỗ trợ những em ở Trung tâm trúng tuyển đại học, để các em tự tin hơn".

Bà Cao Thị Tuyết Sa - Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh chia sẻ: "Những đứa trẻ lớn lên ở trung tâm luôn nhớ về nơi này. Các cháu thường về thăm và động viên các em nhỏ ở đây. Điều này khiến những người làm công tác chăm sóc như chúng tôi rất vui và luôn động viên nhau làm tốt hơn nữa, để những em nhỏ luôn cảm thấy được yêu thương, tự tin bước vào đời".
 

Bài, ảnh: Đ. SƯƠNG-H. THU

 


.