Tình người giữa biển khơi

09:01, 04/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Cứu 59 anh em ơi, bị đâm chìm!”. Ngay sau khi thông tin này vang lên trên máy Icom thì lập tức hàng trăm ngư dân trên biển đã đổ về tọa độ phát tín hiệu để cứu người bị nạn. Tình đoàn kết đã giúp toàn bộ 10 ngư dân trên tàu cá của anh Huỳnh Hợp an toàn trở về với người thân.

TIN LIÊN QUAN

Trưa ngày 1.1.2016, tàu cá QNg 98459 TS của ngư dân Huỳnh Hợp đang neo nghỉ. Toàn bộ 10 ngư dân đang say sưa chìm vào giấc ngủ. Như mọi buổi trưa khác, các ngư dân đánh lưới suốt đêm và ngủ bù vào ban ngày, dậy ăn sáng vào buổi chiều và tiếp tục mẻ lưới mới. Nhưng trưa hôm đó là một ngày định mệnh. Thuyền trưởng Huỳnh Thạch vặn nhỏ hệ thống thông tin rồi cùng 2 thuyền viên nằm nghỉ gần khu vực ca bin.

Thuyền trưởng Huỳnh Bi (ngoài cùng bên phải), người đã nỗ lực lai dắt tàu bị nạn vào bờ.
Thuyền trưởng Huỳnh Bi (ngoài cùng bên phải), người đã nỗ lực lai dắt tàu bị nạn vào bờ.


Đúng vào lúc 12 giờ kém 15 phút, một tiếng động lớn vang lên. Thuyền trưởng Thạch kể lại: “Mới đầu thoáng nghĩ là bị ông mòi đập (sóng lớn), nhưng sau đó thì thật là khủng khiếp, tàu bị bay mất ca bin, con tàu gần lật vì bị đâm một phát cực mạnh vào bên mạn”.

Khi các ngư dân bị rơi xuống nước thì ca bin tàu đè lên người. Ngư dân không hiểu được chuyện gì đã xảy ra, anh em hò hét vật lộn để tìm cách chui ra khỏi con tàu đang bị chìm  xuống đáy biển. Ngư dân dù bơi lội giỏi, nhưng vì quá bất ngờ nên ai cũng bị sặc và uống no bụng nước. Ngư dân Huỳnh Gà cho biết, khi ngoi lên mặt  nước, nhìn thấy bầu trời và biết mình còn sống. Chúng tôi lạnh người khi thấy gỗ trôi khắp nơi.

Rất may mắn là trên tàu bị đâm chìm còn sót lại chiếc máy thông tin 3 băng, tầm sóng gần. Ngư dân vội chộp lấy và gọi cho tàu gần nhất. Thuyền trưởng Huỳnh Bi đang cầm lái điều khiển chiếc tàu chạy gần đó nhận được thông tin đã quay lại cứu ngư dân và kêu gọi toàn bộ tàu cá của ngư dân huyện Đức Phổ đang làm gần đó tới cứu giúp bà con. Lập tức 5 tàu cá khác vội giật lưới, kéo neo, chạy hết ga lao về tọa độ có con tàu gặp nạn, cách đảo Cồn Cỏ khoảng 70 hải lý.

Trên biển lúc đó như một bãi chiến trường, cảnh ngư dân bơi lóp ngóp dưới nước, lưới, vật dụng trên tàu và nhiều đồ đạc khác trôi lềnh bềnh trên mặt biển. Hàng chục ngư dân ở các tàu lập tức lao xuống ném đá lạnh xuống biển để con tàu chìm nổi dần lên. Bà con phân công nhau bàn phương án cứu tàu bị nạn. Vì theo ngư dân, con tàu bị đâm gần như nát thân tàu, nhưng vẫn phải kéo về để giữ lại một số tài sản còn sót lại.

Tàu ngư dân tập trung đến và kéo sang 4 chiếc máy bơm, một máy phát điện. Ngư dân vừa tát nước, vừa cho máy chạy, vừa lấy bạt trùm lên vết nứt toác trên trên tàu. Trên biển đang có sóng giật cấp 7 nên tàu luôn bị chao lắc mạnh, sóng tiếp tục tràn vào khoang tàu. Cả đêm ngày 1.1, các ngư dân trên 6 tàu phân công nhau, mỗi tàu 6 người sang tàu bị nạn để tát nước. Một ca tát nước kéo dài 60 phút. Để tát được một thùng nước ra khỏi khoang tàu, bà con phải nối nhau thành hàng, từ hầm tàu, lên be và đổ nước ra biển.

Các ngư dân làm quần quật và bỏ cả bữa tối, ai cũng tranh thủ thực hiện theo phương án đã thống nhất là giữ cho tàu nổi để kéo vào bờ. Nhưng may mắn là trong đêm đó, sóng gió dịu gần đi. Đến gần sáng thì biển động còn khoảng cấp 4. Ngư dân trên các tàu đến cứu lo cho ngư dân tàu bị nạn cơm nước, bồi bổ sức khỏe, thay quần áo cho đỡ lạnh, động viên anh em cố gắng tiếp tục cứu tàu.

Phương án cứu tàu vào bờ được các ngư dân bàn bạc và vạch ra. Tàu của ông Huỳnh Bi đã buộc hông tàu bị nạn và dìu vào bờ. Để hỗ trợ việc cứu nạn, 5 tàu cá đã đi kèm gần bên cho tới khi tàu vào gần đất liền.

Trên đường hành trình, đài Icom không bao giờ ngớt lời hỏi thăm của bà con ngư dân trên biển. Đến chiều ngày 2.1, hai chiếc tàu dìu nhau từ từ tiến vào cảng Đà Nẵng. Con tàu bị thương tích gắn sát vào tàu cứu nạn. Sự kề vai sát cánh và đoàn kết đã giúp các ngư dân an toàn trở về trong vòng tay của người thân. Ngư dân Huỳnh Văn Giao, máy trưởng của tàu bị nạn tâm tình: “Không có anh em thì giờ đây 10 anh em chưa chắc trở về”.

Bài, ảnh: VĂN CHƯƠNG
 


.